Dân Việt

Thú vị làm sao gỏi rắn bông súng trộn bưởi

Bài, ảnh: Hồng Khuyên 27/10/2015 12:03 GMT+7
Đối với người miền Tây Nam bộ nói chung và người dân Tháp Mười nói riêng, việc thết đãi món gỏi rắn bông súng trộn bưởi để lai rai vài chung rượu đế thì quả là không gì thú vị hơn trong những ngày nước nổi mênh mông, trắng xóa ruộng đồng.

Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi rắn bông súng tràn đìa, chỉ cần cái khúc cây, cải giỏ lùng sục nơi cỏ rậm là dễ dàng bắt được chúng. Rắn bông súng có thể nướng mọi, hầm sả, nấu cháo, … Từ thực tế điền dã, chúng tôi giới thiệu món ăn khá độc đáo, đó là món gỏi rắn bông súng trộn bưởi thơm ngon ở nơi đây. 

img

Đĩa gỏi rắn bông súng trộn bưởi.

Loài rắn bông súng có chiều dài trung bình, thân hình trụ tròn, vảy trơn láng với những sọc kẻ màu nâu trên sống lưng và những sọc nhạt hơn tách biệt bởi các lằn đen nhuyễn ở mỗi bên. Bụng màu trắng hoặc vàng với một đường nằm ở chính giữa sậm màu hoặc một dãy chấm tròn. Loài rắn này cũng “khác thường” so với các loài rắn khác là chúng không đẻ trứng, chỉ đẻ con. Chúng hoạt động ban ngày và được thấy ở những nơi nước ngọt đất trũng, ao hồ, đầm lầy, thức ăn chủ yếu là cá. Đây là loài rắn không có nhiều nọc độc mà cũng có lẽ từ đó dân gian miền Tây Nam bộ đặt cho nó cái tên rất hiền hòa như loài hoa nở khắp bưng biền miệt sông nước Cửu Long giang. Thú vị là vào ban đêm, thấy những ánh đèn dầu leo lét là rắn bông súng cuộn mình búng mạnh hướng về, dân gian gọi là rắn bay.

Để làm món gỏi rắn bông súng trộn bưởi, trước hết rắn còn sống cho vô thau, nấu nồi nước sôi trút vào, rắn giẫy giụa một chút rồi nằm im. Bắt chúng ra cạo lớp vảy ngoài, mổ rửa sạch rồi bắt nước lên luộc cho chín. Vớt rắn ra, để nguội dùng tay xé thịt thành những miếng vừa ăn.

Ra vườn trọn trái bưởi mọng vàng, gọt, tách múi bưởi ra. Sau đó, trộn thịt rắn đã xé vào, nêm nếm vừa ăn, rắc lên trên ít rau húng, quế xắt nhuyễn với ít lát ớt, …

Món gỏi rắn bông súng trộn bưởi khi ăn cần chấm nước mắm trong sẽ là món ưa thích không gì sánh bằng của những nông dân chân lắm tay bùn đãi đằng bạn bè, người thân.

Thế mới hay, người dân quê thật thà chân chất, nhưng trong chuyện ẩm thực ở họ là một “kho trí tuệ” mà có lẽ lâu lắm sách vở giáo trình mới sưu tầm, ghi chép đầy đủ được.