Vừa qua, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có công văn gửi Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đề nghị dừng hoạt động của dịch vụ Uber và GrabTaxi tại Việt Nam. Lý do Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra là các dịch vụ trên hoạt động không tem, logo, hoạt động tự do không theo luật và tự định giá cước.
Giám đốc GrabTaxi: “Chúng tôi hoạt động hợp pháp”
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH GrabTaxi khẳng định: “Chúng tôi hoạt động hợp pháp, đóng thuế đầy đủ và làm việc chặt chẽ với Chính phủ. Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà Hiệp hội Vận tải Hà Nội lại có đề nghị như vậy”.
Ứng dụng công nghệ thông tin đang tạo nên các dịch vụ taxi kiểu mới.
Ông Tuấn Anh cho rằng: “Hiệp hội Vận tải Hà Nội đang lo cho quyền lợi của họ mà chưa nghĩ tới quyền lợi của người tiêu dùng. Với việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giá thành dịch vụ taxi mà GrabTaxi cung cấp rất cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng”.
Thực tế, giá taxi của hai dịch vụ taxi kiểu mới Uber và GrabTaxi rẻ hơn so với loại hình taxi truyền thống. Trong khi Uber có dịch vụ UberX giá rẻ với cước phí chỉ 5.000 đồng/km (tại Hà Nội) và 8.500 đồng (tại TP.HCM) thì GrabTaxi cũng có dịch vụ taxi siêu rẻ với giá cước 6.000 đồng/km. Riêng với Uber, ngoài giá cước theo quãng đường di chuyển, chi phí chuyến đi còn tính thêm thời gian di chuyển.
Bình luận về vấn đề giá cả như Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhắc tới, ông Tuấn Anh cho rằng: Cước phí taxi được định dựa trên sự cân bằng tự nhiên của thị trường. Taxi kiểu mới rõ ràng đã tạo nên một dịch vụ an toàn, nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm.
Trước nghi vấn phá giá để thâu tóm thị trường sau đó toàn quyền làm chủ cuộc chơi, ông Tuấn Anh nhấn mạnh: “Nếu mình làm một sản phẩm, cung cấp một dịch vụ mà khách hàng quay lưng thì sản phẩm, dịch vụ đó sẽ tự “chết” mà thôi”. Ông cho rằng, thị trường sẽ quyết định sự thành bại của một dịch vụ, đó là một cuộc chơi công bằng.
Giá cước do thị trường điều tiết
Trao đổi với phóng viên Dân Việt chiều 27.10, ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, giá cước vận tải nói chung và giá cước taxi nói riêng sẽ do chính các doanh nghiệp tự định giá dựa trên sự điều tiết của thị trường.
“Tôi hiểu phản ứng của Hiệp hội Vận tải Hà Nội là lo ngại các đơn vị không có giấy phép vận tải nhưng vẫn tham gia các hoạt động dịch vụ vận tải theo hình thức kết nối như GrabTaxi, hoạt động bất hợp pháp. Và điều đó phải được quản lý, xử lý nghiêm nếu sai phạm, chứ không phải một việc có chuyển biến tốt mà lại bị xử lý. Chúng tôi định hướng phải quản lý làm sao để doanh nghiệp vận hành theo quy định kinh doanh vận tải, dù bằng giấy hay hợp đồng điện tử thì chính sách cũng công bằng như nhau”, ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, GrabTaxi hoạt động công khai, đã sử dụng xe có biển hiệu, biển số, đã đăng ký kinh doanh, đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách... Ngược lại, Uber lại là một dịch vụ còn gây nhiều tranh cãi khi chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn như GrabTaxi.
Trước đó, tại nhiều hội thảo về giá cước vận tải, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban an toàn Giao thông Quốc gia cũng thường xuyên nhắc tới tính ưu việt của các dịch vụ như Uber và GrabTaxi trong việc quản lý và giảm giá cước. Theo ông Hùng, khi một hành khách gọi xe taxi thông thường, cùng lúc có thể sẽ có nhiều xe taxi tới đón, nhưng với Uber và GrabTaxi thì không như vậy. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin còn tiết giảm nhiều chi phí, như nhân viên trực tổng đài, xăng xe lượn vòng tìm khách,…
Nhiều ý kiến cho rằng, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đang đánh đồng GrabTaxi và Uber khi cho rằng cả hai dịch vụ này có hình thức hoạt động tương tự nhau. Tuy nhiên, thực tế hai dịch vụ trên có nhiều điểm khác biệt trong kinh doanh. Nếu như GrabTaxi liên kết với các hãng taxi và tài xế trong nước hoặc có dịch vụ riêng với logo đầy đủ; thì các xe taxi Uber chỉ đơn giản là xe nhàn rỗi của doanh nghiệp hay một cá nhân, không có logo, song vẫn đưa đón và thu tiền hành khách như taxi.