Liên quan đến vấn đề này, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an.
Thưa ông, việc Mỹ đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không?
Tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ. Ảnh: Navil.mil
- Việc Mỹ đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông là hành động phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), đảo nhân tạo xây trên các bãi đá nửa chìm nửa nổi không có vùng lãnh hải 12 hải lý, vì vậy hành động của Mỹ là hoàn toàn bình thường. Ngoài ra, động thái tương tự này của Mỹ không chỉ diễn ra ở Biển Đông, mà khắp các vùng biển thế giới trong khuôn khổ tự do hàng hải, phù hợp với quy định về an ninh, an toàn hàng hải.
Việc Mỹ kéo tàu chiến vào khu vực này là việc cần làm. Vì nếu Mỹ không làm thế, Washington sẽ mất lòng tin đối với các đồng minh ở châu Á, đồng thời đó cũng là cách để ổn định an ninh khu vực Biển Đông. Tôi cho rằng, không chỉ có lần này, sắp tới Mỹ sẽ tuần tra khu vực 12 hải lý này nhiều và đều đặn hơn.
Trung Quốc đã có những động thái áp sát tàu chiến Mỹ, điều này có dẫn đến khả năng đụng độ quân sự trên Biển Đông không, theo ông?
- Trung Quốc sẽ không thể phản đối được Mỹ trong vụ này. Nói đúng hơn, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để phản đối Mỹ. Trung Quốc chỉ có thể phản đối được khi Mỹ vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc không có bằng chứng nào để chứng minh được khu vực đó thuộc chủ quyền của họ. Điều này sẽ dẫn đến 2 khả năng: Trung Quốc chỉ có thể phản ứng Mỹ trên hệ thống phát thanh tuyên truyền chứ không có hành động quân sự.
Xét về khả năng đụng độ quân sự, nếu điều này không may xảy ra, Trung Quốc sẽ hứng chịu hậu quả nhất và hơn ai hết Bắc Kinh hiểu rõ điều này. Nếu Trung Quốc nổ súng là vi phạm luật pháp và sẽ chịu chỉ trích nặng nề từ cộng đồng quốc tế. Khi Trung Quốc bị cô lập, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ đứng trước nguy cơ bị sụp đổ. Chưa kể đến, xét về tương quan lực lượng, Mỹ và đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản và Philippines sẽ áp đảo Bắc Kinh. Trung Quốc hiểu rõ những điều này, nên khả năng Bắc Kinh chỉ phản đối Mỹ bằng miệng, hoặc mạnh hơn chút nữa là triệu hồi đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối.
Thưa ông, điều gì sẽ xảy ra nếu quan hệ Mỹ- Trung sụp đổ?
- Trung Quốc luôn ý thức được tầm quan trọng của quan hệ Mỹ- Trung dù cả hai bên còn nhiều bất đồng. Trên thực tế, Bắc Kinh luôn duy trì trạng thái với Mỹ là “đấu chứ không đổ”, vì một khi mối quan hệ này sụp đổ, không chỉ có Trung Quốc mà cả thế giới sẽ gặp thảm hoạ.
Xin cảm ơn ông!
“Chính Trung Quốc đã buộc Mỹ hành động” Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) bình luận: “Dù tàu chiến Mỹ không thể ngăn cản Trung Quốc tiếp tục xây cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, nhưng cuộc tuần tra là lời khẳng định rằng luật pháp quốc tế có hiệu lực trên Biển Đông và đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc là không có giá trị”. Nhà phân tích quân sự Edward Luttwak nhận định, việc tàu chiến của Mỹ tuần tra ở khu vực 12 hải lý là động thái phủ nhận chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Tổng thống Mỹ Obama đã hiểu ra rằng việc hòa hoãn sẽ không khiến Trung Quốc hợp tác và rồi chính Trung Quốc đã buộc Mỹ hành động”. Hạ Anh |