Quê tôi xưa cũng vùng ven đô, một thời có những hàng cây duối phủ bóng xuống mặt ao, có cây gạo đầu làng ríu rít tiếng chim, cây đa xòa bóng mát những trưa hè cho những người dân quê đi làm đồng về dưỡng sức. Nhiều lúc chúng tôi cứ ngỡ đó là cây đa trên cung trăng của chú Cuội. Người trong làng kể, hàng cây quê mình đã có từ cách đây chừng ngót nghét 50 năm. Những cụ già bây giờ còn lại trong làng, khi đó là những thanh niên cường tráng đã xẻ đất, đào hố trồng hàng cây, vừa để có thêm bóng mát cho con đường làng, vừa để có thêm cây ăn trái.
Qua thời gian, bị bom đạn tàn phá, cùng những đổi thay của làng quê, hàng cây ấy dần thưa thớt và nhường chỗ cho những công trình mới. Nhiều lần về thăm quê, đứng bên con đường xưa, trước khi rẽ vào xóm nhà, ba tôi vẫn chỉ cho tôi vị trí của hàng cây ấy. Dường như đó còn là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời ông.
Một lần, trong dịp về thăm quê của một người bạn ở ven đô, giữa khung cảnh phố phường đang lấn át, thay thế dần những giếng nước, gốc đa, sân đình… Vậy mà, khi bước vào căn nhà ba gian, hai trái theo kiến trúc xưa, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước một gốc nhãn cổ thụ trước sân. Gốc và thân cây nhãn già tuy xù xì, nhưng vẫn xum xuê như một biểu tượng của sức sống và quá khứ nơi làng quê yên bình, phủ bóng mát xuống khoảng sân ít ỏi còn sót lại nơi đây.
Cây nhãn cổ thụ xòe bóng mát trước sân nhà.
Nhìn cụ già đã ngoại bát tuần (trên 80 tuổi), phong thái nho nhã, đôi mắt sáng, đang quét những chiếc lá nhãn dụng dưới sân chợt thấy một sự thanh tao, bình dị. Khi tôi hỏi chuyện, cụ bảo cây nhãn này đã có từ lâu, nó được trồng khi cụ còn trai trẻ. Mỗi năm, cây đều cho trái ngọt với những chùm quả chín mọng. Dưới gốc nhãn già ấy, hàng năm vào dịp lễ Tết, con cháu thường về quây quần bên mâm cơm gia đình để ôn lại những kỷ niệm và cùng bàn bạc những việc đang chuẩn bị cho tương lai của gia đình.
Có nhiều người ở thành phố xây được ngôi biệt thư lớn, tìm về đây có lời dạm hỏi mua cây nhãn quý. Người đó trả giá rất cao nhưng cụ không bán. Với cụ, cây cối vô tri nhưng sống với cuộc đời mình, ngày ngày cho bóng mát, quả ngọt thắp hương ông bà, tổ tiên thì chẳng khác nào một người bạn tâm giao để cùng sẻ chia, gắn bó.
Chia tay cụ ra về, bàn chân tôi như vẫn còn muốn dừng lại rất lâu dưới gốc cây nhãn già ấy, nơi mà cụ bảo đã từng có những người con rồi cháu chắt mình đứng ngước nhìn lên chờ người lớn hái quả bằng đôi mắt ngây thơ dưới vòm trời xanh. Để rồi khi họ lớn lên lại trở về đứng dưới gốc cây này như một minh chứng cho sự trưởng thành thế hệ.
Gốc cây nhãn già lặng lẽ như một bài học về tình người thật đơn giản mà ý nghĩa. Dường như, ở làng quê nào trên đất nước Việt Nam cũng luôn cần có những bóng cây cổ thụ bình yên như thế, để người ở lại, cả người đi xa vẫn luôn nhớ bóng cây, hàng cây quê mình.