Đó là khi ta còn nhỏ, thấp chũn, lẹt đẹt đi chân không trên những bờ mẫu cao nghệu. Khi đó, ta thấy dưới thăm thẳm sâu là những ngọn lúa cao ngọn trỗ oằn những chùm bông hươm vàng cong vòng lắt lay trong gió. Ta bồi hồi nôn nao nghĩ đến tương lai gần.
Mùa xưa lúa cũ. Đó là khi ngọn gió chướng thổi ào ào làm xuyến xao cây cỏ, những ngọn lúa trỗ màu vàng sậm đong đưa chờ bàn tay gặt hái của nhà nông. Tiếng gọi nhau í ới của những người dân quê vừa no bụng nắm cơm đầu ngày, nhanh chân xuống ruộng, thoăn thoắt tay liềm tay cù nèo gặt những bó lúa đậm màu no ấm.
Thu hoạch lúa mùa ở huyện Tri Tôn, An Giang. (Ảnh: T.B)
Mùa vụ thu hoạch no nê, người nông dân túa ra thành thị mua sắm. Nào quần áo, dày dép, nồi niêu xoong chảo cùng bao thứ linh tinh khác chuẩn bị đón năm mới đang từng bước gần kề. Niềm vui đó chỉ đến với người nông dân mỗi năm chỉ có một lần, bởi họ làm lúa mùa.
Lúa mùa có độ dài sinh trưởng tới nửa năm mới cho thu hoạch, từ khi gieo trồng nhổ cấy. Lúa mùa khiến nông dân có đời sống không cao nhưng đem lại những bữa cơm đậm đà bổ dưỡng mà bây giờ khó tìm thấy nơi những hạt gạo ngắn ngày.
Lạc vào lịch sử cây lúa nước, ta nhớ tới một loại lúa có sức sống hầu như vô tận. Đó là lúa ma, người địa phương gọi lúa trời. Hằng năm, vào khoảng tháng 4 âm lịch, trời đổ mưa, lúa bắt đầu nảy mầm. Tháng 4 dương lịch, mầm lúa nhú cao chừng 5 tấc, thân cứng, lá to bản. Mùa nước nổi về, từ tháng 8 tới 12 dương lịch, lúa trỗ đòng. Nước dâng tới đâu, ngọn và hột lúa vươn cao lên khỏi mặt nước tới đó. Một tháng sau lúa chín, đặc biệt vào ban đêm. Sáng sớm, nắng lên, lúa rụng hạt, chờ năm sau tới mùa tiếp tục nẩy mầm... Gạo lúa ma rất ngon cơm nhờ dẻo và thơm. Loại lúa sạch này ngày xưa mọc tràn đồng, nhờ vậy con người mới có cái ăn.
Mùa xưa lúa cũ ngon ngọt bổ dưỡng đang dần thành dĩ vãng trong tâm thức bao thế hệ.