Trở lại Bạc Liêu trong một buổi chiều chớm đông, trời se lạnh với từng đợt mưa tuôn xuống nặng hạt dần, làm bước chân người lữ khách như chựng lại. Bất chợt, bên tai tôi vọng về một câu hát: “Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩ tào khang…”. Những ca từ quen thuộc trong bài “Dạ cổ hoài lang” như níu bước chân chúng tôi, hãy nhanh chân đến khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, thuộc phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu. (nguồn ảnh: Báo Bạc Liêu)
Theo ghi chép tại khu tưởng niệm, Cao Văn Lầu (1890 – 1976), thường gọi Sáu Lầu, ông được sinh ra tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sát nhập với làng Thuận Lễ trở thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ ( tỉnh Long An). Sau đó, ông theo cha đến tá túc tại một mảnh đất của một người bà con ở Gia Hội (Bạc Liêu). Cuộc sống của gia đình ông lâm vào khó khăn, túng quẫn, gia đình ông phải di chuyển khắp nơi để kiếm sống. Được một nhà sư ở làng Vĩnh Lợi giúp đỡ, gia đình ông cất tạm một căn chòi trên đất công điền ở gần chùa Vĩnh Phước An (nay thuộc phường 2 – thành phố Bạc Liêu). Tuổi thơ của ông là một chuỗi ngày long đong, phải theo gia đình phiêu bạt khắp nơi kiếm sống.
Cố nhạc sĩ đến với cổ nhạc vào năm 1908, khi đó ông nhờ cha dẫn đến thầy Hai Khị để xin học đàn mỗi đêm. Nhờ yêu thích và siêng năng, ông mau chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ; và trở thành một nhạc sĩ nòng cốt trong ban cổ nhạc của thầy. Kể từ ngày đó, ông đã bén duyên với nghệ thuật và có sáng tác một số bài nhưng chưa được chú ý.
Khoảnh khắc lưu niệm bên mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu. (ảnh: Hiền Lê)
Năm 21 tuổi, Cao Văn Lầu vâng lệnh cha mẹ nên đã cưới vợ, đó là cô Trần Thị Tấn (1899-1967), một cô gái nết na ở điền Tư Ô (Chung Bá Khánh). Thời điểm này ông đã sáng tác được một bản ngắn mang tên Bá điểu, sau đổi lại Thu phong, gồm tám câu nhịp bốn. Sau nữa, bản nhạc này được soạn giả Trịnh Thiên Tư đặt thêm lời ca và có tên mới là “Mừng khi gặp bạn”. Năm 1917, ông sáng tác thêm một khúc gồm 22 câu, theo một chủ đề của thầy Nhạc Khị đề xướng là "Chinh phụ vọng chinh phu" nhưng chưa kịp sửa chữa và trình thầy thì gặp nghịch cảnh đau lòng. Vợ ông đã ba năm mà vẫn chưa có dấu hiệu thai nghén, theo tục xưa, cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ ruột.
Khoảng một năm sau, trong tâm trạng nhớ thương vợ, bản nhạc trên được đem ra soạn lại. Nghe bạn đồng môn tên Ba Chột góp ý, ông bỏ bớt 2 câu trùng lắp, bài nhạc còn chẵn 20 câu nhịp đôi. Năm 1918, ông cùng các bạn đến thăm thầy, luôn tiện trình bày bản nhạc chưa được đặt tên, thầy Nhạc Khị khen ngợi về ca từ của bài hát. Sau đó, thầy Nhạc Khi đã cùng với một nhà sư đặt tên cho bài nhạc cổ này và “Dạ cổ hoài lang” bất hủ đã ra đời từ đó.
Đối với người bình dân Nam Bộ, gần như ai cũng thuộc nằm lòng bài vọng cổ bởi giai điệu du dương, réo rắt lòng người.
Có đến nơi đây mới thấy, những hội hè, đình đám đến các khu du lịch, nhà hàng, sân khấu..., đâu đâu cũng thấy biểu diễn đờn ca tài tử. Và buổi biểu diễn nào cũng có tiết mục đinh, ấy là bài “Dạ cổ hoài lang” do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác. Người dân Bạc Liêu nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung luôn tự hào rằng, vùng đất này đã sản sinh ra một nghệ sĩ tài danh - người đã mở đường cho loại hình cải lương đi vào lòng công chúng.