Dân Việt

Tình hình Biển Đông: Biến động nếu có tác nhân mới

Đăng Thúy (thực hiện) 30/10/2015 07:04 GMT+7
“Trung Quốc sẽ phản ứng Mỹ mạnh mẽ về vụ tàu USS Lassen, nhưng sẽ không có biến động lớn trên Biển Đông” - tiến sĩ Cù Chí Lợi- Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ nhận xét như vậy khi trả lời phỏng vấn của NTNN ngày 29.10.

Thưa ông,  sau những tuyên bố phản đối về việc Mỹ điều tàu khu trục đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép, quan hệ Mỹ- Trung sẽ đi về đâu?

img

Hình ảnh Trung Quốc cải tạo trái phép trên Biển Đông. Ảnh:  CNN

- Có thể nói, những phản ứng của Trung Quốc sau vụ việc Mỹ điều tàu khu trục đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là những phản ứng ở mức độ ngoại giao. Sau những tuyên bố phản đối của người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 29.10, Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson có cuộc hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc Ngô Thắng Lợi cũng bàn về vấn đề này, tuy nhiên chúng ta nên hiểu rằng đây là hoạt động trao đổi bình thường. Mỹ và Trung Quốc trước đó đã có những thỏa thuận về đường dây nóng và trong cuộc điện đàm này Trung Quốc có thể sẽ đưa ra những phản ứng phản đối hành động nói trên của Mỹ. Đó chỉ là một phản ứng theo công thức, về cơ bản, Mỹ lâu nay đã có những quan điểm nhất quán về tự do an toàn hàng hải và việc điều tàu tuần tra vào khu vực nói trên theo Washington là phục vụ cho mục đích đó, họ đã quyết làm, chỉ có điều là sớm hay muộn và nay thì điều đó đã diễn ra.

Thưa ông, dưới góc nhìn chuyên gia, ngoài mục đích “tự do an toàn hàng hải”, có thông điệp nào phía sau hành động điều tàu khu trục USS Lassen vào Biển Đông?

- Lầu Năm Góc đã cân nhắc việc gửi tàu và máy bay quân sự đến Biển Đông từ giữa 5.2015 nhưng chuyến tuần tra đầu tiên của tàu USS Lassen chỉ diễn ra mới đây do cuộc tranh luận kéo dài của Quốc hội. Việc Mỹ điều tàu USS Lassen một phần do sức ép và niềm tin của các nước đồng minh. Thông điệp phía sau hành động của họ, xét về cơ bản là Mỹ khẳng định sự tự do hàng hải và vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nếu nói rằng, Trung Quốc chỉ phản đối Mỹ như theo một “công thức”, vậy  tình hình Biển Đông sẽ không có biến động, nếu như không có thêm tác nhân nào, phải không thưa ông?

- Vấn đề Biển Đông là một trong những vấn đề tác động lớn đến mối quan hệ Mỹ- Trung hiện nay. Nhưng những cuộc đối đầu giữa Mỹ- Trung trên Biển Đông không phải bây giờ mới có. Vụ việc tàu USS Lassen chỉ là tiếp diễn những chuỗi hoạt động tuần tra của Mỹ. Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ, nhưng sẽ không có biến động lớn. Nếu chỉ dừng ở mức độ như hiện nay thì sẽ không có đột biến, nhưng nếu một nước nào đó liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông có thêm những hành động can thiệp thì tình hình có thể sẽ khác. Hoặc ví dụ, Trung Quốc nhân cơ hội này thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông thì quan hệ Mỹ- Trung sẽ thay đổi rất nhiều, có tác động lớn đến Trung Quốc và thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Phản ứng của Việt Nam về việc Mỹ đưa tàu chiến vào Biển Đông

Ngày 29.10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

                Thúy Đăng