Đúng là sắc tím hoa sim đẹp, rất đẹp. Màu hoa tím rịm, cánh mỏng mơ màng trông thật lãng mạn.
Thế là chúng tôi mỗi người ngắt một cành hoa sim vừa đi vừa trầm trồ khen ngợi. Trong lúc cảm hứng, bạn tôi đã cất lên bài “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh, ý thơ của nhà thơ Hữu Loan: “Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt. Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai…”
Giọng hát thật truyền cảm, sâu lắng khiến mọi người như có chút gì bâng khuâng vì từ lâu hoa sim đã là một loài hoa rừng, dung dị nhưng lại là một loài hoa tượng trưng cho tình yêu trai gái, tình chung thủy và đã từng đi vào văn học dân gian: “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”.
Sắc tím hoa sim Phú Quốc nhạt hơn sim Đà Lạt.
Chuyện về hoa sim tưởng đâu đã đi vào quên lãng, không ngờ gần đây khi đặt chân lên đảo Phú Quốc, hòn đảo ngọc, nơi có những rừng sim tuyệt đẹp khiến trong lòng tôi dâng lên một nỗi cảm hoài. Sim Phú Quốc hầu như nở hoa quanh năm, rộn ràng nhất là mùa hè, màu hoa trinh nguyên, sắc hoa tươi thắm, quyến rũ giữa núi rừng. Có điều hoa sim Phú Quốc có màu tím nhạt hơn sim Đà Lạt – Lâm Đồng, thứ tím phớt hồng, trang nhã pha lẫn chút dáng kiêu sa, kiều diễm thật dễ thương làm sao ấy! Trái sim giống như trái ổi non, nhỏ bằng đầu ngón tay cái, khi chín có màu đỏ sẫm, vị ngọt, người đi rừng có thể dùng để giải khát.
Du khách thích thú ngắm hoa, chụp ảnh lưu niệm trong vườn sim tại Phú Quốc.
Chúng tôi tha hồ chụp ảnh, người hái hoa, người hái trái rồi nâng niu, trìu mến như gặp lại người thân sau bao năm xa cách. Hỏi ra mới biết sim Phú Quốc ngoài sim rừng, sim mọc tự nhiên còn có những vườn sim do con người mang về trồng để lấy trái ngâm ủ, lên men làm rượu sim và mật sim, một thứ đặc sản có giá trị kinh tế cao cho nơi đây.
Trong y học dân gian người ta thường dùng rễ, lá và trái sim để làm thuốc. Ngoài ra, trái sim và đặc biệt là sắc tím hoa sim còn là nguồn cảm hứng vô tận đối với văn nghệ sĩ sáng tác, nhất là nghệ sĩ nhiếp ảnh chúng tôi.