Lợi thế đang ở doanh nghiệp “ngoại”
Ông Phí Ngọc Trịnh-Phó Tổng giám đốc CTCP May Hồ Gươm cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang tham gia chủ yếu “khâu giữa” của chuỗi sản xuất dệt may, tức làm gia công. Còn khâu đầu và cuối (tức nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm) lại chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... Trong khi đó, để được hưởng thuế 0% trong TPP, ngành dệt may phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ từ sợi. Đây là thách thức lớn với ngành dệt may bởi lâu nay khâu dệt và nhuộm rất yếu kém.
Công nhân sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty May 10 (Hà Nội). Ảnh: I.T
Ông Trịnh ví dụ: “Mỹ và châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của May Hồ Gươm (chiếm 55% và 35%) song tỷ lệ nội địa hóa của chúng tôi chỉ khoảng 30-40%, chủ yếu ở nhân công và một số phụ liệu cơ bản như chỉ, thùng, túi, hạt chống ẩm, một số nhãn mác... Để được hưởng đầy đủ các ưu đãi từ TPP, chúng tôi cũng xoay xở tìm dần nguyên liệu xuất xứ từ Việt Nam hoặc các nước thành viên TPP nhưng rất khó”. Bà Đặng Phương Dung- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, để đầu tư vào ngành sợi đòi hỏi một lượng vốn rất lớn và công nghệ cao. Nếu doanh nghiệp đầu tư 20 triệu USD vào máy móc, công nghệ dệt sợi thì cũng phải mất 20 triệu USD để xử lý môi trường. Chưa kể, để đầu tư máy móc cho 1 công nhân may chỉ khoảng vài chục triệu đồng, thì 1 công nhân sợi cần được đầu tư gấp 5 -6 lần... Rõ ràng, khó khăn với dệt may Việt Nam là vô cùng lớn khi đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế thấp.
Theo ông Phan Chí Dũng (Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), từ rất nhiều năm nay dệt may đặt mục tiêu phát triển cây bông, dệt sợi song đáng tiếc là các mục tiêu này đã không thực hiện được.
Thực tế, nhiều công ty Trung Quốc đã đầu tư vào dệt may Việt Nam, hoạt động theo chuỗi liên kết, nhập khẩu từ công ty mẹ tại nước sở tại, gia công tại Việt Nam và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam còn thực hiện gia công cho một số hãng dệt may lớn của nước ngoài, thậm chí cho các công ty dệt may Việt Nam.
Không nhanh chân mất hưởng cơ hội...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thuế suất về 0% là lợi thế lớn đối với ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam khi TPP có hiệu lực, bởi hiện tại thuế suất này ở mức rất cao (17-18%). Nếu doanh nghiệp Việt Nam không tự tái cấu trúc, nâng cao sức cạnh tranh thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tranh thủ đầu tư vào dệt may trong nước, khai thác và hưởng lợi thế “hộ” chúng ta.
Bà Đặng Phương Dung cũng lo lắng, hiện Trung Quốc là một "gã khổng lồ" về nguyên phụ liệu, vải, máy móc thiết bị… với giá rất cạnh tranh, nếu không nói là rất rẻ. Chúng ta phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu của Trung Quốc thì bài toán lợi thế càng khó nghiêng về phía các doanh nghiệp Việt Nam nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội đầu tư nguyên phụ liệu, cơ sở hạ tầng...
GS Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận: Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào dệt may Việt Nam để đón đầu TPP. Trong TPP, Trung Quốc không tham gia, nên việc họ tăng đầu tư vào dệt may của ta gần đây là sự lựa chọn hoàn hảo để chuẩn bị tận dụng lợi thế.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng: “Các nhà đầu tư Trung Quốc với lợi thế về tài chính, công nghệ và thị trường đều vượt xa so với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không cẩn thận, việc thu lợi ngay từ những ngày đầu tiên của TPP sẽ không lọt vào tay doanh nghiệp Việt Nam mà lọt vào tay các doanh nghiệp nước ngoài”.
Bà Dung cho rằng, để tận dụng được cơ hội, ngành dệt may Việt Nam phải tăng cường kêu gọi đầu tư vào các ngành phụ trợ, đặc biệt là dệt nhuộm hoàn tất để có thể tự túc được nguyên liệu. Cần chủ động tạo ra chuỗi cung ứng trong nước, phấn đấu tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 60-65%. Bên cạnh đó, phải tranh thủ được lợi thế của hội nhập để tạo ra sản phẩm cuối cùng có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 5 trên thế giới. Có hơn 6.000 doanh nghiệp dệt may trên cả nước, doanh thu xuất khẩu năm 2014 đạt 24,5 tỷ USD, tạo việc làm cho gần 3 triệu lao động, đóng góp khoảng hơn 10% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP). |