Gỗ rừng trồng tăng giá
Bình Định là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất miền Trung (111.000ha). Thời điểm này, nhiều người dân Bình Định đã bắt đầu thu hoạch rừng trồng để bán cho thương lái.
Nhiều hộ dân ở Tuy Phước bắt đầu khai thác rừng trồng để bán cho thương lái và doanh nghiệp. Ảnh: D.T
Ông Cù Văn Mẫn (trú xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) cho biết: “Gia đình tôi trồng trên 100ha rừng keo lai có nhiều độ tuổi khác nhau. Bình quân mỗi năm, tôi khai thác hơn 10ha. Với giá gỗ rừng hiện nay, khai thác xong, trừ chi phí tôi còn lãi ròng trên 500 triệu đồng”.
Theo tính toán của nhiều người trồng rừng, từ khi trồng cây con cho đến độ tuổi thu hoạch thì người dân phải bỏ chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 30 triệu đồng/ha. Tùy theo nhu cầu mà người trồng rừng khai thác nhanh hay chậm, sau 5 năm khai thác, sẽ đạt sản lượng khoảng 100 tấn/ha, 7 năm thì đạt từ 120-140 tấn/ha.
“Chỉ tính rừng 5 năm khai thác, cứ cho năng suất bình quân mỗi ha đạt 100 tấn gỗ, với giá bình quân hơn 1,3 triệu đồng/tấn, người trồng rừng sẽ cầm chắc trong tay hơn 130 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư suốt chu kỳ hơn 30 triệu đồng, cộng thêm chi phí khai thác, vận chuyển đến nhà máy khoảng 300.000 đồng/tấn (30 triệu đồng/100 tấn gỗ) thì mỗi ha rừng người trồng vẫn lãi rất lớn” - ông Nguyễn Văn Trung (xã Phước Thành) chia sẻ.
Nhà máy thiếu nguyên liệu gỗ
" Trong 111.000ha rừng trồng ở Bình Định, có đến hơn 55.000ha do hộ nông dân tự trồng. Với giá gỗ rừng trồng cao như hiện nay thì kỳ vọng vào người trồng rừng sẽ có lãi to là rất lớn”. |
Ông Võ Vạn Toàn- Phó Giám đốc Công ty TNHH Sông Kôn chuyên băm dăm gỗ xuất khẩu (tại Khu công nghiệp Phú Tài, TP.Quy Nhơn), cho hay: “Công suất của nhà máy sản xuất 70.000 tấn khô/năm nhưng nguồn nguyên liệu chủ động chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Chúng tôi phải mua thêm từ bên ngoài nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nữa, nhà máy luôn thiếu đến 40% nguyên liệu”.
Ông Toàn cho rằng, năm nay giá gỗ rừng trồng tăng đột biến, những khu rừng mới 3-4 năm tuổi các chủ rừng cũng khai thác để tranh thủ bán được giá cao. Với tình trạng này, chắc chắn sang năm diện tích rừng khai thác sẽ giảm đi, nguồn gỗ nguyên liệu sẽ ít dần.
“Hiện nay, thị trường Trung Quốc đang thu mua dăm gỗ với giá 137 USD/tấn dăm khô. Nếu bất thình lình giá mua này bỗng dưng hạ xuống 5-10 USD/tấn, khi giá mua nguyên liệu đầu vào cao ngất, bán ra giá thấp thì chắc chắn có nhiều nhà máy phá sản” - ông Toàn lo ngại.
Ông Cái Minh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp Hào Hưng của Trung Quốc tại xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) thu mua gỗ rừng trồng với giá cao. Họ tự băm dăm, chở xuống cảng rồi vận chuyển về nước bằng tàu. Do tất cả các khâu chế biến, vận chuyển đều chủ động nên chi phí đầu vào giảm, nâng giá mua gỗ nguyên liệu khiến các nhà máy băm dăm trong tỉnh chạy theo giá đó nhưng chẳng đủ nguyên liệu để mua”.
Theo ông Nguyễn Thế Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Bình Định, địa phương này đang có 19 nhà máy chế biến dăm gỗ hoạt động với tổng công suất trên 1,2 triệu tấn/năm. Ông Dũng cho biết: “Các nhà máy chế biến dăm gỗ ở Bình Định lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu triền miên. Hiện lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm chỉ đủ đáp ứng khoảng 55% nhu cầu nguyên liệu của 19 nhà máy chế biến dăm gỗ trên địa bàn”.