Dân Việt

Cay đắng phận thuyền viên - Bài 2: “Chết” bởi tin lời cò mồi

Hùng Phiên – Minh Nguyệt 03/11/2015 06:40 GMT+7
Công việc vất vả, lao lực, khiến nhiều thuyền viên bị vỡ mộng, liều mình nhảy xuống biển khơi. Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp đã phải đưa ra những giải pháp tuyển chọn và đào tạo khắt khe với thuyền viên.

“Tiền mất tật mang”

Những năm gần đây, tình trạng công ty “ma” xuất hiện ở vùng nông thôn, đăng ký tuyển dụng thuyền viên đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ngày càng nhiều. Lao động chỉ phải bỏ ra một số tiền khoảng 150 triệu đồng/người là không phải học tiếng, học định hướng và có thể đi làm thuyền viên ngay ở Hàn Quốc. Vì quá dễ dàng, nhiều lao động - dù không phải là thuyền viên, vẫn chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để tham gia XKLĐ với mong muốn, khi tìm được cơ hội thích hợp sẽ nhảy tàu bỏ trốn.

img

Mai Ngọc Anh (trái) kể chuyện đánh bắt thủy sản ở Hàn Quốc. Ảnh:    Hùng Phiên

Mặc dù đi theo con đường chính ngạch – lao động có hợp đồng, nhưng anh Mai Ngọc Anh (35 tuổi, ở phường 6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên), từng đi làm thuyền viên cho tàu cá gần bờ tại Hàn Quốc, vẫn không hết ám ảnh bởi những trường hợp khốn khổ của các thuyền viên mà anh từng gặp.

Ngọc Anh kể lại: “Em đã nhiều lần chứng kiến cảnh anh em ngư dân đi xuất khẩu “chui” ở Hàn Quốc, họ rất cơ cực, phải làm việc trên các tàu đánh cá 7 - 15 ngày/chuyến biển. Có người làm việc đến 22 giờ/ngày, lương bổng “hẻo”, chỉ khoảng 1 - 1,2 triệu won/tháng (khoảng 20-23 triệu đồng), không xứng với công việc nặng nhọc”.

Cũng chính bởi phải lao động như kiểu khổ sai, lương thấp, nên nhiều người bất chấp nguy hiểm, nhảy tàu mong có cơ hội ra ngoài làm việc. Có người bị cảnh sát sở tại bắt, phạt, có người bỏ mạng giữa biển khơi… Chỉ số ít thuyền viên may mắn sống sót, nhưng cuộc sống lao động bất hợp pháp sau đó phải đối diện với rủi ro, luôn lo sợ bị bắt.

Mặc dù có may mắn vì đi theo đường chính ngạch nhưng bản thân công việc trên tàu cá của anh Ngọc Anh cũng vất vả hơn so với lao động làm công xưởng. Công việc của anh là đánh bắt mực trên một tàu có tải trọng 15 tấn, cùng với 4 người khác. Lúc nào họ cũng phải làm việc quần quật, rất ít khi được nghỉ ngơi. Nhưng anh cũng thấy mình được trả lương xứng đáng với công khó nhọc. Những tháng cuối trước khi về Việt Nam, mức lương của anh là 2,5 triệu Won/tháng (khoảng 47 triệu đồng). Sau hơn 4 năm làm bên Hàn, anh đã gửi về gia đình được hơn 1,5 tỷ đồng. Hiện tại, anh Ngọc Anh đang hoàn tất thủ tục để quay trở lại Hàn Quốc làm việc tiếp cho chủ tàu vào cuối tháng 12 này.

“Siết” chặt tuyển chọn

"  Lương thuyền viên tàu gần bờ khoảng 550USD/ tháng, còn thuyền viên xa bờ chỉ 400 USD/tháng. Đó là mức lương cơ bản, còn thu nhập thực tế phụ thuộc vào năng suất đánh bắt của  tàu. Tuy nhiên, thuyền viên gần bờ phải đóng trước 2 khoản phí (tiền ký quỹ, thế chấp) hơn 7.500 USD, còn thuyền viên xa bờ có khi không phải đóng đồng nào. Do đó, nhiều lao động thích đi xa bờ hơn. Ngoài ra, thuyền viên có kinh nghiệm làm việc trên tàu cá nước ngoài thường có thu nhập cao hơn”. 
Ông Tống Hải Nam  - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH)

Nói về hoạt động tuyển dụng thuyền viên, ông Lê Nhật Tân – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nguồn nhân lực LOD cho rằng: “Điều quan trọng nhất là các công ty phải “lọc” đúng được đối tượng có nhu cầu đi làm thuyền viên. Nhiều đối tượng muốn đi làm công xưởng, nhưng không đi được nên chọn nghề thuyền viên làm “bước đệm” để qua cửa với hy vọng sau khi lên tàu sẽ bỏ trốn tới một nước thứ 3 để làm công xưởng” – ông Tân nói.

Hiện nay, để giảm thiểu các rủi ro trong việc tuyển dụng đối tượng, làm thí điểm chương trình xuất khẩu thuyền viên gần bờ ở Đài Loan, LOD chỉ tuyển dụng với các thuyền viên từng có hợp đồng đi xuất khẩu thuyền viên xa bờ trong những giai đoạn trước kia với công ty, đã hết hạn và về nước. “Điều này sẽ có những thuận lợi, bởi bản thân lao động này đã từng làm trong những môi trường còn khắc nghiệt hơn, quen công việc, biết tiếng nên họ có thể đảm đương mọi công việc trên thuyền” – ông Tân nói.

Tuy thời gian 1 tháng để đào tạo thuyền viên biển xa, 2 tháng để đào tạo thuyền viên biển gần nhưng cũng như nhiều công ty khác, LOD chỉ có thể đào tạo các kỹ năng mềm như kiến thức pháp luật, tiếng nước ngoài, văn hóa... còn kinh nghiệm đi biển, chuyên môn nghề cá thì không thể đào tạo được. Công ty này đang chuẩn bị tuyển lại lao động thuyền viên đi đánh bắt cá gần bờ cho các chủ tàu phía Đài Loan. Trước mắt, công ty chỉ tuyển chọn 50 thuyền viên đi làm thí điểm để đánh giá thị trường.

Với nhiều năm kinh nghiệm tuyển dụng thuyền viên, ông Tân cho rằng quản lý thuyền viên là công việc rất khó khăn nên ngoài việc “lọc” kỹ thuyền viên, các công ty tuyển dụng cũng cần lựa chọn cho mình những đối tác lớn, thân cận để hợp tác cung ứng lao động. “Thường các đối tác của LOD là những chủ tàu lớn, họ đánh bắt cá ở một vùng biển nhất định, chứ không lênh đênh hết vùng biển này tới vùng biển khác, vì vậy việc quản lý lao động, giám sát chủ tàu là quản lý lao động của LOD cũng đơn giản hơn” – ông Tân nói. 

Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP. Tuy Hòa, Phú Yên: Lương thấp nên không mặn mà

Cả tỉnh chỉ có vài thuyền viên đi XKLĐ từ những năm trước, chưa có trường hợp đăng ký xuất khẩu thuyền viên mới. Lý do là bởi họ không muốn xa nhà và mức lương của thuyền viên đi XKLĐ cũng không cao hơn là bao so với lương của thuyền viên trong nước. Mặt khác, trình độ của thuyền viên còn hạn chế, nhiều trường hợp đã không đáp ứng được yêu cầu đào tạo, ngoại ngữ... nên họ ngại tham gia XKLĐ.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân – Phó chủ tịch hiệp hội xuất khẩu lao động việt nam: Cập nhật danh sách thuyền viên vi phạm

Hiện tại Ban cung ứng thuyền viên tàu cá Việt Nam đã yêu cầu các công ty XKLĐ Việt Nam lập hộp thư để cập nhật danh sách thuyền viên công ty mình vi phạm hợp đồng, bỏ trốn… tránh cho công ty khác tuyển lại các thuyền viên này. Ban đã liên hệ với các đơn vị liên kết tại địa phương để sử dụng hộp thư, không giới thiệu các thuyền viên vi phạm hợp đồng.  

Ý thức của nhiều lao động còn kém

img

Báo cáo đánh giá thực trạng chất lượng thuyền viên năm 2014 của Ban cung ứng thuyền viên tàu cá (Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam - VAMAS) cho biết, đại đa số các thuyền viên làm việc tốt và khi trở về có điều kiện kinh tế tốt hơn. “Tuy nhiên vẫn có một số thuyền viên vi phạm hợp đồng, đánh nhau, uống rượu; có trường hợp bỏ trốn để định cư bất hợp pháp ở nước ngoài, nhiều nhất khi tàu cập cảng Hàn Quốc, Nhật Bản, làm ảnh hưởng đến hình ảnh xuất khẩu lao động của Việt Nam”– ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch VAMAS thừa nhận. Cũng theo ông Trào, nhiều thuyền viên có trình độ thấp, khả năng tiếp thu ngoại ngữ và hiểu biết, ý thức kỷ luật kém. Có thuyền viên đăng ký đi làm với ý đồ sẽ bỏ trốn.                

Minh Nguyệt