Dân Việt

Đừng thô bạo ép dân "dọn tất cả” vào chợ mới xây

Bài, ảnh: Hùng Phiên 03/11/2015 10:52 GMT+7
Liên tiếp nhiều ngày qua, chính quyền xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã đưa lực lượng cưỡng chế, ép dân di dời chợ, không cho các hộ dân buôn bán dọc đường liên thôn Phước Bình Bắc nhằm “dọn tất cả” vào chợ Hòa Thành vừa khánh thành ngày 22.10.2015.

img

Thô bạo ép dân di dời chợ

Nhiều ngày qua, tại thôn Phước Bình Bắc, nhiều bà con tiểu thương tại địa phương phản ánh, bày tỏ bức xúc trước cách hành xử “rắn” của chính quyền. Bà  Trần Thị Hồng (65 tuổi) cho biết, đây là khu vực chợ Vùng Trung vừa được giải tỏa, hàng ngàn hộ dân vẫn quen đi chợ ở đây vì gần nhà để tiện công việc. Bản thân bà chỉ bán rau muống nhà trồng, không đủ sức khỏe và điều kiện kinh tế để thuê sạp tại chợ Hòa Thành mới xây, cách đó khoảng 2km. “Tôi bán mấy cọng rau trước nhà, vậy mà đoàn cưỡng chế đến hất tất cả. Rồi còn tịch thu đem đi! Tại sao lại đối xử với người già yếu như vậy?!”, bà Hồng bày tỏ.

Cạnh đó, Võ Thị Thảo (61 tuổi, bán rau quả trước nhà) cho biết, cũng bị đoàn cưỡng chế thu hồi toàn bộ hàng hóa. Bà Thảo đã bị xây xát, chảy máu ở tay khi giằng giật lại đồ đạc với đoàn cưỡng chế. Bà đưa chiếc điện thoại bị vỡ, nói: “Tôi lấy điện thoại giơ lên chụp hình thì bị công an xã giật đập. Họ làm như ăn cướp không bằng! Rau quả của tui bị tịch thu đã mấy ngày, chắc hư thối hết rồi! Gánh rau của tui chưa đến 1 triệu đồng, làm sao tôi đủ tiền hàng chục triệu đồng để thuê sạp ở chợ? Tui bán tại hiên nhà, sao lại đến tịch thu?!”.

img

Tiểu thương Võ Thị Thảo với chiếc điện thoại bị thành viên trong đoàn cưỡng chế đập hỏng và bàn tay bị xây xát do giằng lại đồ bị tịch thu.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tú Phương – khách mua hàng cũng cho biết, trong lúc đứng mua hàng cạnh đường liên thôn Phước Bình Bắc, bà cũng bị nhóm cưỡng chế xô đẩy. Bà phản ứng lại thì bị một phó công an xã Hòa Thành hùng hổ chửi bới, văng tục rất phản cảm. “Bà con ở đây đều hết sức bất bình với cách cưỡng chế, xô đẩy, giằng co rất thô bạo của lực lượng cưỡng chế. Ai đời, người dân đang buôn bán thuận lợi thì kéo đến xua đuổi, hung hăng như cướp bóc. Nhiều người già yếu chỉ bán mớ rau cá trước nhà, vậy mà cũng tịch thu hết. Chợ mới thì xa, lại xây cạnh con lộ lớn, nhiều người già yếu, thiếu điều kiện nên không thể ra chợ mới được. Chính quyền mà o ép dân kiểu này là không được!”, bà Phương gay gắt.    

Tuyên truyền, vận động để tiểu thương vào chợ mới xây    

Ngày 18.10, hàng trăm người dân thôn Phước Bình Bắc đã ký đơn tập thể xin giữ lại chợ Vùng Trung, đơn có đoạn: “Chợ gần nhà sẽ tạo điều kiện cho những người già, người dân trong thôn bán những mớ rau, trái cà, quả trứng, nải chuối,… những thứ họ nuôi trồng được trong vườn nhà, tiết kiệm không dám ăn mà bán đi lấy tiền mua gạo, mua cá,… Nhiều người nghèo vừa sang sạp buôn bán nhỏ lẻ thì bị dời chợ, làm cho lao đao lận đận”. Lá đơn tập thể cũng nêu, xã bên cạnh là Hòa Bình 1 có đến 4 chợ nhưng đều hoạt động tốt. Thì chợ mới Hòa Thành sẽ có lớp tiểu thương mới, buôn bán đa dạng hơn. Thế nhưng đơn của người dân gởi đi nhiều nơi vẫn chưa thấy phản hồi, xem xét.

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Nguyễn Trãi - Chủ tịch UBND xã Hòa Thành cho biết: “Chợ Hòa Thành vừa khánh thành ngày 22.10, với kinh phí xây dựng 2,1 tỷ đồng. Đây là một trong những tiêu chí cuối cùng để xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; Hòa Thành là xã điểm của huyện Đông Hòa. Việc xóa chợ Xóm Trung và các hộ buôn bán dọc đường liên thôn Phước Bình Bắc, là để dồn hết về đầu mối chợ Hòa Thành mới. Chính quyền xã đã thông báo dời chợ trước 10 ngày, kết hợp vận động rất nhiều. Thế nhưng nhiều hộ không muốn thay đổi thói quen buôn bán cạnh khu vực chợ Vùng Trung cũ. Điều này cũng ảnh hưởng đến an toàn giao thông dọc đường liên thôn. Buộc xã phải tổ chức cưỡng chế”.

Ông Trãi cũng thừa nhận, việc cưỡng chế tịch thu đồ đạc của người dân là “rất kỳ, vì đều là bà con cô bác cả”. Thế nhưng vì chủ trương chung nên phải làm. Đồ đạc tịch thu, sau đó đã mời chủ lên nhận lại, ký cam kết không bán lại dọc đường, nhưng có chủ hàng đã không lên nhận lại đồ. Bên cạnh nguyên nhân đó, “việc xóa chợ Xóm Trung cũng đã làm một số cán bộ thôn Phước Bình Bắc không đồng tình, bởi mất khoản thu 18 triệu đồng/năm để làm quỹ thôn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động thuyết phục bà con di dời chợ. Và cũng sẽ mời các cơ quan cấp huyện như quản lý thị trường, vệ sinh thực phẩm,… đi kiểm tra các quầy bán dọc đường liên thôn Phước Bình Bắc. Phải kiên quyết đưa hết vào chợ đầu mối”, ông Trãi cho hay.

Từ sự việc nêu trên, nên chăng chính quyền xã Hòa Thành cần xem xét lại cách thức cưỡng chế. Bên cạnh đó cần kiên trì tuyên truyền, vận động thuyết phục, lắng nghe để giải quyết hợp tình hợp lý ý kiến của các tiểu thương, tránh để sự bức xúc kéo dài trong nhân dân.