Dân Việt

Món rắn trun chiên giòn của người miền quê

Bài, ảnh: Minh Khuyên 05/11/2015 06:08 GMT+7
Có lẽ người miền quê luôn có sự sáng tạo nên trong nghệ thuật ăn uống cũng vậy. Không chỉ có hầm, xào, người dân còn ướp thịt rắn trun với nước mắm rồi đem chiên giòn rất thơm ngon.

Ở miền Tây Nam bộ chắc hẳn không ai lạ gì con rắn tròn cả hai phần đầu – đuôi, lưng đen trũi, bụng lại có những khoang đen chen trắng, dân gian gọi đó là rắn trun.

Đây là loại rắn lành, chúng chẳng những không có nọc độc mà cũng lại rất chậm chạp trong di chuyển. Có điều đuôi rắn này thường tiết ra chất dịch màu trắng đục. Chất này tối kỵ với lươn. Nói cách khác, lươn gặp phải dịch tiết ra từ rắn trun thì “thẳng đơ cán cuốc”. Có lẽ vì thế mà người bình dân truyền rằng: Lươn nạp mình cho rắn trun, cũng phải! Những lão nông biết chỗ nào có lươn ẩn sống, thường bắt con rắn trun rồi trút ngược phần đuôi nó xuống, dùng tay vuốt cho dịch trắng chảy ra. Lát sau, lươn nổi đầu hết, cứ vậy tha hồ lượm về … thịt ăn!

img

Món rắng trun ướp nước mắm, chiên giòn thơm ngon.

Mùa nước nổi, loài rắn trun sinh sôi rất nhanh. Theo những chỗ có nước xâm xấp nhiều lau, sậy hay cỏ lát mọc hoang ở đìa lạn, lung, bàu, … người ta sẽ không khó để tìm kiếm loại rắn này. Chỉ cần cây móc sắt là có thể bắt được chúng dễ dàng. Rắn trun cũng thường hay chạy lọp, chạy nò, dính lưới, …

Từ con rắn trun, người miền quê đã chế biến thành nhiều món ăn ngon và nên thuốc. Rắn trun hầm sả với củ cải trắng vừa giải cảm, vừa ngon cơm, mà nếu đem làm mồi nhậu cũng rất bắt. Hay món rắn trun xào với lá cách, lá nhàu cũng vậy, đó là thứ “khoái khẩu” cho người đau lưng, mỏi gối. Người bình dân tin rằng đây là phương thuốc hữu hiệu “ông uống bà khen”.

Món rắn trun chiên giòn cũng không có gì quá cầu kỳ, phức tạp. Rắn trun làm sạch rất nhanh. Chỉ cần trụng qua nước sôi hoặc hơ trên lửa là có thể vuột da ngoài của rắn một cách dễ dàng. Dùng dao bén cắt bỏ đầu và đuôi, kéo luôn đồ lòng ra chứ không mổ bụng. Người ta chỉ giữ lại gan và mỡ. Mật rắn trun nên thuốc nên lúc này người làm rắn thường lấy mật tách riêng rồi để lên miếng lá chuối phơi khô. Đã bao đời nay, người lao động vùng sông nước vẫn tin rằng những đứa trẻ bị ho dai dẳng, khò khè nuốt mật rắn trun này … sẽ khỏi!

Thịt rắn trun sau khi đã làm sạch, để ráo rồi cắt thành khúc cỡ hai lóng tay, đem ướp với nước mắm ngon. Chờ một lúc cho rắn thấm rồi bắc chảo mỡ hoặc dầu lên bếp. Người ta phải ước sao cho lượng mỡ, dầu ngập số rắn định chiên. Lửa lớn, dầu, mỡ sôi mới thả rắn vào chiên. Sức nóng làm cho thịt rắn chín và ngả vàng, giòn thơm hấp dẫn. Gắp miếng thịt rắn ra để cho ráo mỡ, sau đó xếp ra dĩa, bày kèm với những thứ rau hái quanh vườn nhà. Nước chấm món rắn trun chiên giòn thường là nước mắm pha nước cốt chanh, ớt, tỏi bằm, …

Chiều chiều, năm ba anh em trong xóm gặp nhau, trải chiếu ra góc sân vườn hay chái nhà để cùng nhâm nhi vài ly rượu đế với món rắn trun chiên giòn. Thật khó có cuộc hội ngộ nào vui hơn để cùng nhau nâng ly, hàn huyên chuyện gia đình, đổi trao kinh nghiệm cấy trồng, gặt hái. Âu cũng là thú vui, nét sinh hoạt văn hóa của những con người chân chất, quanh năm lam lũ ruộng đồng ở miền Tây Nam bộ này.