Dân Việt

Lỗ 3 năm liền vẫn không từ bỏ làm rau hữu cơ

Thi Hà 06/11/2015 13:00 GMT+7
Bỏ ra hàng tỷ đồng trong suốt 3 năm mà chưa thu lại được đồng lời nào, nhưng ước mơ đem đến sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng đã thôi thúc Phạm Phương Thảo quyết tâm đeo đuổi.

Học công nghệ môi trường ở Hà Nội, nhưng khi vào TP HCM Thảo lại chọn cho mình công việc tổ chức sự kiện. Vốn nhanh nhẹn, chăm chỉ cô được  nhiều khách hành và đồng nghiệp quý mến.

Đến 2011, khi mang bầu lần đầu tiên, Thảo nghén tới 3 tháng và chỉ thích ăn rau sống cho nên gia đình cô luôn phải “chạy đôn chạy đáo” tìm nguồn rau an toàn vì lo sợ nếu ăn sản phẩm chứa nhiều chất kích thích sẽ ảnh hưởng đến em bé sau này. Chính từ cơ duyên đó, Thảo bắt đầu mày mò tìm hiểu về rau an toàn, rau hữu cơ (organic).

“Trong số những thông tin thu thập được thì rau organic chiếm niềm tin của tôi nhiều nhất. Bởi lẽ, đây là loại không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, môi trường canh tác sạch, không ở vùng ô nhiễm hay ở gần vườn trồng rau truyền thống phun thuốc trừ sâu. Từ ấy, tôi nuôi ước mơ gây dựng một cửa hàng cung cấp các sản phẩm hữu cơ”, Thảo nói.

img

Phạm Phương Thảo thường xuyên "quên ăn quên ngủ" vì rau hữu cơ.

Ước mơ của người phụ nữ này ngày càng lớn dần khi cô sang Lào và tình cờ thấy tại cửa chùa Vàng (Viêng Chăn) người dân tổ chức phiên chợ organic với các sản phẩm như: gạo, rau, trà… vào mỗi thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần. 

“Tôi bất ngờ lắm, vì một nước nghèo như vậy người ta có thể làm ra được những sản phẩm có chất lượng cho người tiêu dùng thì tại sao tại Việt Nam không làm được. Thế là tôi lao vào lên kế hoạch cho việc đi tham khảo các quốc gia tiên tiến khác để tìm hiểu về mô hình này mặc dù chi phí vô cùng tốn kém”, Thảo bộc bạch.

Sau quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng, Thảo bắt đầu tìm mặt bằng kinh doanh với ý định mở một cửa hàng chuyên về sản phẩm organic. Trên đường đi học tiếng Anh, Thảo thấy một địa điểm ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) treo bảng "sang tiệm" nên nảy ra ý định thuê ngay dù trong người chỉ có 5 triệu đồng. Sau đó cô phải bỏ không mặt bằng 2 tháng vì lúc đó chưa gom được sản phẩm. Đến đầu năm 2013, Thảo chính thức mở cửa hàng đầu tiên với số lượng hàng chỉ vỏn vẹn vài chục sản phẩm. Dần dần cô nhập thêm các loại đậu, dầu ôliu, sữa hạnh nhân, yến mạch, sữa gạo... ở nhiều nước khác về phân phối. Đến nay, cửa hàng của Thảo đã có gần 500 mặt hàng.

Dồn hết số tiền mà hai vợ chồng tích cóp được để đầu tư, thế nhưng, kinh doanh mặt hàng này không hề đơn giản như cô nghĩ. Bởi, giá sản phẩm cao hơn so với các loại thông thường, trong khi, người tiêu dùng ít biến đến khái niệm rau hữu cơ. Cho nên, thời gian đầu, có những mặt hàng Thảo chỉ nhập vài kg mà vẫn bán không hết. “Nhiều hôm mọi người phải chia rau về ăn, còn gia đình thì ăn rau ế triền miên”, cô tâm sự.

Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi Thảo tiến hành liên kết với nông dân. Vì các hộ nông dân canh tác nhỏ lẻ nên cô không thể kiểm soát hết chất lượng của sản phẩm, đặc biệt là lúc cây trồng bị sâu bệnh. Khi thấy nguồn hàng bấp bênh, người nông dân thì không đạt được kết quả như cam kết, Thảo khá thất vọng. Có thời điểm, dù không bán được nhiều sản phẩm cô vẫn phải bao tiêu cho nông dân nên rau tồn bị hư hỏng, phải đổ bỏ. Chính từ đó, Thảo quyết định làm trang trại để kiểm soát chất lượng và ổn định nguồn hàng. 

Cô thuê gần 2ha đất ở Đồng Nai để xây dựng trang trại trồng gần 100 loại rau củ quả nhiệt đới. Chi phí ban đầu cho việc cải tạo đất, thuê hàng chục nhân công, giống, hệ thống tưới tiêu, nhà lưới lên tới vài trăm triệu. Đặc biệt, Thảo phải tận  tay chỉ dẫn quy trình đảm bảo an toàn cho người trồng từ cách nhổ cỏ bằng tay, cách ủ phân, làm thuốc bảo vệ thực vật từ sinh vật và các cây cỏ dược liệu…

Cứ tưởng mọi việc sẽ trở nên dễ dàng nhưng khi bắt tay vào làm trang trại, Thảo mới nhận ra rằng khó khăn tăng lên gấp nhiều lần. Không chỉ thường xuyên chăm sóc, kiểm soát rau, lấy mẫu đi kiểm nghiệm mà còn phải biết cách trị sâu bệnh bằng các loại cây cỏ dược liệu như: ớt, tỏi nghiền, hạt neem… để xua đuổi côn trùng, rồi đến các phương pháp mới như dùng bạt nilon để ngăn cỏ hay dùng các thuốc bảo vệ sinh học (được cho phép của USDA và EU).

“Nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc, thậm chí, ngồi một mình suy nghĩ không biết mình đã đi đúng đường hay chưa? Bởi, tôi đã dành quá nhiềm tâm huyết cho organic, bán cả nhà và chấp nhận ở thuê để có vốn đầu tư hàng tỷ đồng mà chưa hề có một đồng lời. Thế nhưng, càng nghĩ tôi càng phải động viên mình phải làm cho tới cùng ”, Thảo tâm sự.

Chính từ quyết tâm ấy, Thảo đưa ra tiêu chí để có chỗ đứng riêng và khẳng định vị thế trên thị trường, sản phẩm nhất định phải có chứng chỉ organic. Bắt đầu từ giữa 2014, cô đem mẫu đất, nước và rau sang châu Âu kiểm định. Riêng mỗi mẫu mất, hằng quý tiền kiểm định tốn khoảng 300 USD. Ngoài ra, Thảo còn tìm đến công ty tư vấn của Hong Kong nhờ họ tư vấn sao cho trang trại đạt chuẩn.

Tới nay, nhờ xây dựng và cải tạo trang trại theo đúng tiêu chuẩn châu Âu, sản lượng rau tại vườn của Thảo tăng lên đều đặn, bình quân một ngày cho thu hoạch đạt 100kg. Hiện tại, cô có 2 cửa hàng bán sản phẩm organic tại TP HCM và có mạng lưới 300 khách hàng thân thiết. Đồng thời, Thảo đã liên kết được với một số trang trại trồng rau hữu cơ ở Đà Lạt, Hải Phòng…

Sau gần ba năm thực hiện các yêu cầu nghiêm ngặt quy trình canh tác hữu cơ của Mỹ và EU, đầu tháng 11 này, các chuyên gia của tổ chức cấp chứng nhận Control Union đã đến Việt Nam đánh giá và cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ USDA organic (Mỹ) và EU organic farming (Liên minh châu Âu) cho trang trại của Thảo. Đây là hai tiêu chuẩn hữu cơ được tin cậy và sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

Chia sẻ về kế hoạch tương lai, Thảo cho biết, sắp tới sẽ quay trở lại hướng dẫn người nông dân về quy trình canh tác, đồng thời, hợp tác với họ để bao tiêu sản phẩm. Khi nguồn hàng ổn định, cô sẽ tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài.