Vì sao lại nói là lầm tưởng?
Thứ nhất là, tốc độ tăng giá bình quân 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, nếu của giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ có 22,39%, thì của giá nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 26,2%.
Nói cách khác, tốc độ tăng giá đầu vào cao hơn tốc độ tăng giá đầu ra, đã làm cho người nông dân không những không được lợi mà còn bị thiệt- ít nhất cũng lên đến 3%. Trong các chi phí đầu vào thì giá phân bón nhập khẩu tính theo tiền Việt Nam tăng tới 34,1%, chi phí về thức ăn gia súc, chi phí về thuốc trừ sâu cũng tăng không kém.
Điểm thứ hai, nông dân đã bị “bắt chẹt” trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Điều này thể hiện ở chênh lệch giữa giá bán của người sản xuất so với giá bán ở chợ đầu mối, giữa giá ở chợ đầu mối với giá mua của người sản xuất, giữa giá bán ở chợ, giá bán ở chợ đầu mối, giữa giá bán của người tiêu dùng cuối cùng với giá bán ở chợ. Chênh lệch khá lớn, ở mỗi khâu đều tăng thêm từ 5 đến 10%, có những mặt hàng, có những thời điểm (giáp vụ, cuối vụ, khi mưa gió bão…) lên đến 30- 40%.
Người nông dân về cơ bản vẫn là lấy công làm lãi, ngay lương thực là mặt hàng thiết yếu nhất đối với người tiêu dùng, đối với việc xuất khẩu, nhưng chênh lệch giá giữa giá bán ra của người nông dân với giá mua của người tiêu dùng cuối cùng cũng cách nhau tới mươi mười lăm phần trăm.
Đối với hầu hết nông dân ở Nam Bộ, đối với nhiều nông dân nghèo, lúc bán ra thì giá thấp, lúc mua lại để tiêu dùng thì giá lại cao lên. Hàng năm, Nhà nước thường phải cấp bù lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu để mua tạm trữ (như năm nay mua 1 triệu tấn gạo của vụ hè thu), nhưng khi nông dân bán thì giá còn thấp, khi các doanh nghiệp mua xong thì giá đã cao lên, rất ít nông dân bán được lúc giá cao. Khi tiêu dùng, người nông dân lại phải mua giá cao...
Việc xây dựng nông thôn mới được các chuyên gia ví như một cuộc đổi mới lần thứ hai đối với nông nghiệp và nông thôn. Cuộc đổi mới lần thứ nhất đã giúp cho người nông dân quyền tự chủ đối với tư liệu sản xuất và sản phẩm do mình sản xuất ra. Tuy nhiên, việc nông dân được tiếp cận với thị trường, được hưởng thành quả của đổi mới là chưa được nhiều, tình trạng “được giá thì mất mùa, được mùa thì mất giá” cứ lặp đi lặp lại. Do thiệt thòi về giá cả, nên lợi nhuận, tích lũy và đầu tư đều ở mức rất thấp.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới- cuộc đổi mới lần thứ hai cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, nếu không bộ mặt nông thôn cũng vẫn chậm thay đổi, trong khi đến năm 2020, Việt Nam cũng khó thực hiện được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đào Ngọc Lâm