Dân Việt

Tràn lan đá nhái kim cương

05/07/2011 10:43 GMT+7
Trên thị trường đang có nhiều loại đá nhái kim cương như CZ, Moissanite, Yttrium Alumium Garnet..., trong đó phổ biến nhất là đá CZ nhái kim cương.

Tràn lan đá nhái kim cương

Tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM, nhân viên bán hàng đưa ra một vỉ phía trong có 1 viên đá màu trắng và cho biết đây là “kim cương nhân tạo”.

Trên vỉ đá này có chữ “CZ Diamond Cut”. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia về vàng bạc đá quý lâu năm cho biết cụm từ “CZ Diamond Cut” chỉ viên đá CZ được cắt theo giác cắt tiêu chuẩn của kim cương.

Viên đá được đóng siêu (tức vỉ) với chữ Diamond trên đó đã bị một số người bán lợi dụng, đánh lừa người mua thiếu kinh nghiệm để bán với giá kim cương nhân tạo.

img
Rất khó phân biệt các loại đá nhái kim cương. Ảnh: Đ.N.Thạch

Một cửa hàng khác tại Q.5, TP.HCM, bán kim cương Moissanite 4,5 li với giá 2,73 triệu đồng/viên. Trong khi thực chất Moissanite chỉ là đá nhái kim cương chứ không phải là kim cương hay kim cương nhân tạo.

Ở một trung tâm thương mại lớn trên địa bàn Q.1, TP.HCM, nhân viên bán hàng đưa ra một chiếc nhẫn ở giữa đính một viên đá lớn lấp lánh, xung quanh là những viên tấm và giới thiệu đây là nhẫn kim cương, giá bán là 50 triệu đồng.

Theo đề nghị hỗ trợ kiểm tra chất lượng chiếc nhẫn này của chúng tôi, một chuyên viên lâu năm về đá quý đã tiến hành các bước kiểm tra chuyên môn và nhận định: Viên đá lớn chính giữa là đá CZ, những viên đá tấm đính xung quanh là kim cương tấm. Giá trị của chiếc nhẫn này thấp hơn nhiều lần giá chủ cửa hàng này đưa ra.

Trên thị trường đang có nhiều loại đá nhái kim cương như CZ, Moissanite, Yttrium Alumium Garnet..., trong đó phổ biến nhất là đá CZ nhái kim cương. CZ cũng có muôn hình vạn trạng khác nhau với chất lượng từ thấp đến cao nên người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt được.

Một viên đá CZ có độ phản chiếu tốt hay không phụ thuộc vào độ tinh khiết, cắt mài và đánh bóng. Dựa vào các yếu tố này, đá CZ được phân cấp từ cấp độ A, AA và AAA. Trên thị trường, loại đá CZ (có chất lượng AAA) có khắc chữ Swarovski được nhiều người ngộ nhận gọi là “kim cương nhân tạo”.

Ngoài đá CZ thông thường, gần đây trên thị trường xuất hiện loại đá CZ phủ một lớp carbon bằng công nghệ nano. Quan sát bên ngoài viên đá CZ phủ carbon, có thể thấy đá có màu sắc lấp lánh rất đẹp, tinh xảo. Điều đặc biệt là viên CZ phủ carbon này có thể đánh lừa cả bút thử kim cương, cho ra kết quả đó là viên kim cương.

Người bán không trung thực rất dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng bằng cách này. Trong khi độ cứng của kim cương là 10 thì độ cứng của đá CZ phủ carbon là 8,5. Sau một thời gian sử dụng, viên CZ phủ carbon cũng sẽ bị trầy xước, lộ ra viên đá CZ bên trong.

Người tiêu dùng bị móc túi

Sự nhập nhằng này khiến không ít người tiêu dùng bị lừa mua đá CZ với giá kim cương nhân tạo. Giá thực sự của một viên CZ 4,5 li chỉ là 5.000 đồng/viên, viên CZ Swarovski là 250.000 đồng/viên, CZ phủ carbon là 520.000 đồng/viên.

Thế nhưng trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM (khu vực chợ Bến Thành), một cửa hàng đá quý hét giá viên đá CZ 4,5 li phủ carbon là 1,5 triệu đồng, một cửa hàng khác cũng ở khu vực này hét lên đến 2,2 triệu đồng. Chất lượng của 2 viên đá này thực sự hoàn toàn giống với viên đá CZ giá 250.000 - 520.000 đồng.

Điều khó khăn đối với người tiêu dùng là nếu chỉ nhìn bằng mắt thường hay qua kính lúp thì rất khó nhận biết đâu là CZ Swarovski, CZ phủ carbon và CZ thường. Do vậy thường là họ mắc bẫy của người bán.

Theo Thanh Niên