Cùng với bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Hà Nhì đen sáng tạo ra những bộ tóc giả, mũ, kiểu khăn không chỉ để giữ ấm, làm đẹp mà còn là dấu hiệu thể hiện tuổi tác, tình trạng hôn nhân.
Trong ngôi nhà của người Hà Nhì đen luôn có vài bộ tóc giả treo trên vách. Những cô gái đến tuổi trưởng thành, ngoài đồ trang sức thì không thể thiếu bộ tóc để đội đầu.
Phụ nữ Hà Nhì với trang phục dân tộc truyền thống. (Ảnh: Thùy Hương).
Khi đeo tóc giả, chị em xõa mái tóc xuống phía bên phải rồi kết nối, bện chặt tóc thật và giả lại với nhau, tạo ra mái tóc dài chấm đất. Cuối mái tóc giả được buộc lại thành 3 chùm giống bông hoa rồi cuộn bộ tóc giả thành từng khoanh trên đầu. Ngày thường cũng như ngày hội, phụ nữ đều không rời bộ tóc giả này. Họ luôn mang theo chiếc lược nhỏ để chải lại tóc mái và khi cần thì xổ ra chải cho thẳng, mượt mà.
Phủ bên ngoài mái tóc là tấm khăn vuông vải nhuộm chàm, ở rìa và 4 góc khăn thêu hoa văn ô vuông hay lượn sóng, gắn thêm các tua chỉ màu, đính thêm những hạt cườm màu. Điểm khác biệt giữa phụ nữ chưa chồng và có chồng chính là cách đội tóc giả và khăn. Tóc và khăn đội lệch 1 bên là các cô gái chưa chồng, đội chính giữa đầu và có thêm mảnh khăn trên cùng là phụ nữ đã có gia đình. Theo truyền thuyết, mảnh khăn trên đỉnh đầu là để giữ hồn lại, phụ nữ đã có chồng thì phải giữ hồn mình thật chặt.
Trước đây, để có bộ tóc giả ưng ý, đúng kiểu phải tốn khá nhiều thời gian và công sức. Tóc giả được bện bằng sợi tách ra từ vỏ, rễ cây rừng. Bà con tìm một số loại cây cỏ đặc biệt để chế biến, chiết thành thuốc nhuộm. Thuốc đổ vào máng gỗ, tóc giả nhúng vào nhiều lần sao cho giống hệt tóc thật. Sau khi nhuộm, tóc giả lại tiếp tục mang ra cắt tỉa để hoàn chỉnh. Hiện nay, đồng bào dùng sợi len thay thế các sợi vỏ và rễ cây rừng.
Với phụ nữ Hà Nhì, đội tóc giả và khăn không chỉ để làm đẹp mà còn để giữ ấm đầu, tối ngủ dùng làm gối hay quàng cổ.