Giải quyết bằng luật
Trong bản tin của Reuters ngày 11.11, Bộ trưởng đặc trách Điều phối chính trị, pháp lý và an ninh Luhut Panjaitan đã xác định rằng Jakarta đang làm việc hết sức chặt chẽ với Bắc Kinh trên vấn đề đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông ăn vào vùng quần đảo Natuna của Indonesia. Ông Luhut Panjaitan nhấn mạnh, nếu không có những giải pháp giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, Jakarta sẽ đưa Bắc Kinh ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Ông Luhut Panjaitan cũng lưu ý thêm rằng: “Indonesia không muốn thấy bất kỳ một sự triển khai sức mạnh nào trong vùng Biển Đông. Đường 9 đoạn là một vấn đề chúng ta đang phải đối phó, nhưng không phải chỉ riêng chúng ta. Nó cũng trực tiếp tác động đến các lợi ích của Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines”.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc âm thầm cải tạo trái phép các hòn đảo trên Biển Đông để hiện thực hóa âm mưu bành trướng Biển Đông. Ảnh: CSIS
Tuyên bố của Indonesia được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc hiện đang bị Philippines kiện ra trước Tòa án Trọng tài Thường trực (PAC) tại La Haye về các yêu sách chủ quyền quá đáng tại Biển Đông. Đây là một vụ kiện mà Bắc Kinh từ chối tham gia, nhưng vẫn không ngăn cản được việc tòa án tiếp tục xem xét đơn kiện của Manila.
Theo tin mới nhất, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo (PCA) đã ấn định ngày tổ chức cuộc điều trần về vụ kiện của Philippines phản đối đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, cuộc tranh tụng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc theo phụ lục số VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ diễn ra từ ngày 24 tới 30.11 tại The Hague”. Động thái mới nhất này của Indonesia cho thấy, những yêu sách phi lý về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến không chỉ một mà còn nhiều nước cảm thấy khó chấp nhận và cần phải giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Cứng rắn
Giới phân tích cũng cho rằng, dư luận quốc tế phản đối Trung Quốc về những hành động phi lý trên Biển Đông đang ở mức độ tăng dần, đặc biệt, những động thái gần đây của Mỹ cũng cho thấy sự cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông là điều hết sức cần thiết.
Trong một bài phân tích trên trang mạng Southasiaanalysis.org, tiến sĩ Subhash Kapila, hiện đang là cố vấn về quan hệ quốc tế và các vấn đề chiến lược thuộc Tổ chức Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng, việc Mỹ gần đây tỏ ra cương quyết hơn trong vấn đề Biển Đông chủ yếu do Trung Quốc.
Theo phân tích của ông Subhash Kapila, Trung Quốc cần nhận thức được rằng chính họ đã đẩy Mỹ vào thế “tức nước vỡ bờ” khi không đánh giá đúng mức về mối lo ngại xung đột với Trung Quốc mà Washington luôn đề cập đến. Ngoài ra, việc Mỹ do dự trong việc có những hành động mạnh mẽ và cứng rắn nhằm hạn chế tham vọng bành trướng và quân sự của Bắc Kinh đang khiến nhiều người tại châu Á phải đặt dấu hỏi về vị thế của Mỹ, với tư cách người bảo trợ cho an ninh khu vực. Trên thực tế, Tổng thống Barack Obama đã chịu không ít áp lực từ Lầu Năm Góc trong suốt một năm qua khi liên tiếp có những lời kêu gọi cho phép hải quân triển khai “Các chiến dịch tự do hàng hải” để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Không chỉ chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể chìm tại Biển Đông, Trung Quốc còn cải tạo các khu vực này, xây dựng những hòn đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền lãnh hải đối với vùng biển trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ những hòn đảo này. Mục đích của Trung Quốc là dùng đây làm bàn đạp để từng bước khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông và thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Tuy nhiên, ông Obama đã hoãn việc ra lệnh triển khai chiến dịch tuần tra này cho tới sau chuyến thăm Washington của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hành động gần đây của Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU), cũng như Nhật Bản và Australia. Theo tiến sĩ Subhash Kapila, với sự đồng thuận to lớn này, chắc chắn trong thời gian tới sẽ có thêm những lời kêu gọi tiến hành một hoạt động lớn với sự tham gia của lực lượng hải quân nhiều nước tuần tra bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông.
Câu hỏi đặt ra là phản ứng của Trung Quốc sẽ ở mức độ nào nếu Mỹ ngày càng cứng rắn hơn ở Biển Đông? Liệu Trung Quốc có tính đến thực tế là những thay đổi quan trọng trong môi trường địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương đang chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc? Rõ ràng Mỹ đã triển khai một chiến lược bài bản để có thể đáp trả những phản ứng quân sự mạnh mẽ từ phía Trung Quốc khi Washington quyết định cứng rắn hơn ở Biển Đông.
Liên quan đến việc Indonesia tuyên bố có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án án Hình sự quốc tế ICC khi không thể giải quyết yêu sách của Trung Quốc qua đối thoại, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Chúng tôi cho rằng, các quốc gia có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình và phù hợp để giải quyết các tranh chấp quốc tế có liên quan”.
|