Dân Việt

Dự án Vân Canh: Chủ đầu tư "mập mờ", nhà đầu tư "lĩnh đủ"

06/07/2011 08:30 GMT+7
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang lâm vào cảnh tiền mất tật mang tại khu đô thị mới Vân Canh do chủ đầu tư (HUD) thiếu công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho cò mồi lừa đảo.

Theo phân tích của giới đầu tư, nằm trên địa bàn 2 xã Vân Canh và Di Trạch, huyện Hoài Đức, vị trí của khu đô thị Vân Canh được xem là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao với nhiều dự án nhà ở và đô thị mới đã và đang được triển khai. Hơn nữa, dự án lại nằm trong vùng có nhiều tuyến giao thông “nóng” của phía Tây, sát 3 tuyến đường: Đường 70, đường Lê Trọng Tấn kéo dài và trục đại lộ Thăng Long, kết nối với tuyến đường Lê Đức Thọ, cách sân vận động Mỹ Đình 3km, được thiết kế đồng bộ với các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, hồ nước, vườn hoa cây xanh, bệnh viện, trường học. Với những ưu điểm này, việc sở hữu một lô đất liền kề, hoặc biệt thự dự án trở thành mơ ước của nhiều người.

img
Tọa lạc tại vị trí đắc địa nên việc sở hữu một lô đất liền kề, hoặc biệt thự dự án Vân Canh là mơ ước của nhiều người

Một thực tế ai cũng biết là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư chính thức của dự án. Tuy nhiên, phải theo dõi thật sát sao, các nhà đầu tư mới biết dự án đã được HUD xẻ cho nhiều công ty “con” như HUD 1, HUD 8, HUD land, công ty Tasco làm chủ đầu tư và phân phối dự án. Cũng chính vì việc mập mờ thông tin này mà tại đây đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo lên tới hàng chục tỷ đồng.

Đầu tháng 6.2011, công ty HUD 8 đã thông báo chào bán một số nhà liền kề thuộc LK 34,38, 42 với giá khoảng 40-42 triệu đồng/m2 bao gồm cả tiền xây thô. Có vị trí đẹp, giá cả hợp lý, chủ đầu tư uy tín vì vậy rất nhiều nhà đầu tư đã săn lùng mua bằng được dự án này để đầu tư bất chấp thị trường đang trong tình trạng “nguội lạnh”.

Tuy nhiên, do số lượng nhà liền kề chào bán có giới hạn vì vậy chỉ có một số công ty thứ cấp được ký kết thỏa thuận với HUD 8 trong việc phân phối dự án. Thế nhưng trên thị trường bất động sản, nhiều văn phòng môi giới, sàn đã lợi dụng việc chào bán dự án để gom tiền đặt cọc của khách hàng. Hậu quả, chỉ trong vòng 1 tháng, 2 vụ bể cọc lớn đã xảy ra làm giới đầu tư không khỏi ngỡ ngàng.

Vụ tiêu biểu là vào ngày 20.6, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) bắt tạm giam Lê Thị Kim Oanh (ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu điều tra, cuối năm 2009, Oanh đã nhận 2,6 tỷ đồng tiền đặt cọc của một người ở huyện Từ Liêm để bán lại 4 lô đất liền kề tại khu đô thị mới Vân Canh với giá 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên khi Oanh không thực hiện được cam kết, nạn nhân không đòi lại được tiền nên đã tố cáo hành vi chiếm đoạt 2,6 tỷ đồng của Oanh.

Cơ quan công an làm rõ, các lô đất liền kề mà Oanh nhận tiền đặt cọc thuộc giai đoạn 2 của dự án khu đô thị mới Vân Canh do Tập đoàn HUD làm chủ đầu tư, đang chờ quy hoạch trục không gian kết nối với huyện Ba Vì. Do đó Tập đoàn HUD chưa triển khai kinh doanh và bán các lô đất này.

Xác minh tại Tập đoàn HUD, công an làm rõ, tập đoàn này không có quan hệ giao dịch và ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các lô đất nêu trên của dự án với Oanh.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện, tháng 2.2010, Oanh còn nhận của một khách hàng khác số tiền 1 tỷ đồng đặt cọc để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất 5 ô đất khác cũng tại dự án khu đô thị mới Vân Canh. Oanh cam kết sau 60 ngày từ khi đặt cọc sẽ giúp khách hàng này trực tiếp ký hợp đồng với HUD hoặc đơn vị thành viên của HUD. Tuy nhiên, Oanh cũng không thực hiện được cam kết.

Ngay sau khi vụ lừa đảo này xảy ra, mới đây một số nhà đầu tư cũng có đơn khiếu nại gửi cơ quan báo chí về việc đặt cọc mua dự án Vân Canh. Theo đó, do không tìm hiểu kỹ, ông V.P (ở quận Thanh Xuân) và ông N.T.H (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) đã nộp 400 triệu đồng cho sàn BĐS Trường Phát tại tòa nhà 34T khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội ký hợp đồng đặt cọc để công ty này giao dịch mua hộ ông hai lô đất ô số 31 - LK 38 có diện tích 100m2 thuộc dự án khu đô thị mới Vân Canh do HUD8 làm chủ đầu tư với giá giao dịch là 4,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi nhận thông báo đóng tiền HUD 8, các khách hàng mới phát hiện việc đặt cọc nhầm cho sàn bất động sản Trường Phát bởi sàn này không có hợp tác trong việc phân phối dự án HUD 8 vì vậy không có chức năng nhận đặt cọc khách hàng.

Những vụ việc kiểu này không phải chuyện xưa nay hiếm trên thị trường bất động sản. Thế nhưng, rất nhiều nhà đầu tư, các khách hàng vẫn cứ làm ngơ khi không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đầu tư để rồi khi tiền mất tật mang mới lại kêu cứu. Điều đáng nói, hầu hết các vụ việc tương tự xảy ra đều liên quan đến các trung gian, môi giới thậm chí nhiều vụ lừa đảo, ăn chênh hàng tỷ đồng tiền môi giới cũng đã xảy ra tại chính các sàn giao dịch chủ đầu tư.

Để xảy ra tình trạng trên, ngoài lý do bởi người dân nhẹ dạ, cả tin mà nguyên nhân quan trọng là do chủ đầu tư thiếu công khai minh bạch thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân khi mua dự án và các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay hơn nữa để xử lý các vi phạm này.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp