Dân Việt

Chiếc gạc-măng-rê ngày xưa

Bài, ảnh: Thành Công 15/11/2015 18:28 GMT+7
Đó là chiếc chạn bát, hay còn gọi là tủ đựng thức ăn. Nhưng ông bà ngày xưa vẫn quen gọi nó là gạc-măng-rê (Garde à manger). Có lẽ những chiếc tủ này ra đời từ thời xưa Pháp thuộc nên mới được gọi theo phiên âm như vậy.

Ngày đó, hầu như nhà nào cũng có một chiếc chạn bát để chứa thức ăn. Chiếc tủ bằng gỗ, cao khoảng 2m, được đặt trong nhà bếp. Thời sàn nhà chỉ toàn là đất nện, 4 chân tủ được đặt trên 4 chiếc tô sành lồi, xung quanh đổ nước vào để chống kiến, gián. Chiếc tủ cũng được đặt cách ly với vách chừng vài cm.       

Như bao hộ gia đình khác, nhà tôi cũng tậu được một chiếc tủ như thế. Điều đặc biệt là chiếc tủ được bào, gọt, chạm trổ tinh xảo do chính tay ông nội tôi tự làm. Hồi đó, ông tôi là thợ mộc có tiếng trong xóm, nên ai cũng tìm đến đặt đồ gỗ. Mỗi ngày, ông gom những mảnh gỗ vụn để dành. Ít lâu sau, ông đã có đủ gỗ để đóng một chiếc gạc-măng-rê tỉ mỉ. Ông bảo: “Đây là món quà ông tặng bà và mẹ con”. Đó là cách ông nói khéo, rằng phụ nữ phải tề gia nội trợ, nấu ăn sao cho ngon.

img

Chiếc chạn bát để chứa thức ăn mà ông bà tôi gọi là gạc-măng-rê.

Có chiếc tủ, thức ăn được mẹ tôi để vào đó cất, chống gián, kiến và chú mèo hay ăn vụng. Trước đây, khi chưa có chiếc tủ này, mẹ thường để thức ăn vào chiếc rế úp ngược, đặt trong thau nước, đậy và dằn kín bằng tấm thớt gỗ. Khi có chiếc tủ thì tiện lợi quá rồi, mẹ khỏi phải lo lũ kiến đi lạc và chú mèo phá bĩnh. Nhưng điều đó lại làm tôi khó chịu.

Hồi nhỏ, tôi hay thích ăn vụng. Phải công nhận rằng ăn vụng thú vị làm sao. Cảm giác hồi hộp, lo sợ mẹ và bà thấy khiến cho tim tôi đánh trống liên tục. Mắt cứ láo liên nhìn quanh xem mẹ có trong bếp không để mà mở gạc-măng-rê bốc thức ăn. Nhưng khổ nỗi chiếc tủ quá cao, trong khi tôi thì bé nhỏ. Đang loay hoay tìm cách, chợt tôi nghĩ ngay đến chiếc ghế đẩu ở phòng khách. Tội vội bê đến, leo lên và mở tủ bốc thức ăn nhai nhốp nhép.        

Một lần, hai lần, ba lần mẹ không thấy. Nhưng rồi lần nọ mẹ bắt gặp tại trận khi tôi chỉ mới thò tay cầm thức ăn. Tang chứng rành rành, mẹ bảo tôi lên giường nằm cúi và đánh mấy roi vào mông. Giờ nghĩ lại tôi còn thấy sợ. Chiếc roi bằng tre, dù nhỏ nhưng đánh lại đau thấu cả xương. Vừa đánh mẹ vừa dạy tôi không được ăn vụng, như thế là xấu tính. “Muốn ăn, thèm, hãy xin bà với mẹ một tiếng mẹ sẽ lấy cho. Leo trèo như thế có ngày té gãy giò chứ chẳng chơi”, mẹ bảo thế.        

Cũng từ đấy tôi bỏ tật ăn vụng. Tôi lớn dần trong tình thương của gia đình. Khi tôi nhổ giò, cao kều, có thể tự tay mở gạc-măng-rê lấy thức ăn thì chiếc chạn bát kỷ niệm ấy cũng ngừng sử dụng. Do thời gian bào mòn, mối mọt cắt nát, chiếc tủ trở nên lạc hậu, xấu xí, thảm thương. Ba mang ra phá nát, rồi làm củi chụm. Trong nhà bếp xuất hiện một chiếc tủ bằng nhôm mới tinh. Khi tôi mở tủ nhôm ra, cảm giác hụt hẫng đầu tiên là âm thanh. Nó trong vút, sắc, chứ không đục và nhu mì như cửa gỗ. Đồ vật cũng như con người, cũng đến lúc cạn kiệt sức lực rồi nhắm mắt xuôi tay. Giờ đây bồi hồi nhớ về tuổi thơ, chợt thèm cái thời ăn vụng làm sao!.