Bộ trưởng Vương Đình Huệ |
Cắt giảm chi tiêu để dành cho an sinh xã hội
Vấn đề hiệu quả của việc thắt chặt chi tiêu để kiềm chế lạm phát thông qua việc thực hiện Nghị quyết 11 được nhiều độc giả quan tâm đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Hầu hết các ý kiến cho rằng đã một năm nhưng chưa có tổng kết, đánh giá để biết việc làm này đã được thực hiện đến đâu, kết quả như thế nào và có những đơn vị, địa phương nào vi phạm phải xử lý?
Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Tình hình năm 2011 Chính phủ đã thực hiện quyết liệt NQ 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ cũng như các bộ ngành đã tổng kết sâu sắc, đầy đủ và ban hành nghị quyết mới cho năm 2012.
Về thắt chặt chi tiêu, trong năm 2011, chúng ta đã cắt giảm 81.500 tỷ đồng chi tiêu công, tiết kiệm khoảng 10% chi thường xuyên, tương đương hơn 3.900 tỷ đồng, và toàn bộ số này được sử dụng cho nhu cầu an sinh xã hội và các yêu cầu bức thiết khác. Khi tổng kết NQ 11, phát hiện một số bộ, ngành địa phương sử dụng không đúng 2.450 tỷ đồng xây dựng cơ bản, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cương quyết thu hồi để dành cho các nhu cầu đầu tư khác.
Bộ trưởng cho biết: Với quyết tâm của Chính phủ trong năm mới, thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có những tập đoàn, công ty kinh doanh trong lĩnh vực điện, xăng dầu... Điều này hy vọng thị trường kinh doanh xăng dầu, điện sẽ ngày càng minh bạch hơn.
Giá xăng dầu trong nước thiếu minh bạch nên gây ức chế cho người dân (ảnh minh hoạ). |
Bên cạnh công khai minh bạch chính sách, Nhà nước cũng yêu cầu minh bạch công khai chi phí, giá thành của tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. “Năm 2012, Bộ Tài chính phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để tiếp tục thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm này” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không in thêm tiền để tăng lương
Về vấn đề tăng lương nhỏ giọt trong khi giá cả tăng rất mạnh, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: Muốn có tiền để tăng lương thì nguồn hoàn toàn dựa vào tăng thu NSNN. Do đó, địa phương nào cũng phải để dành 50% nguồn tăng thu để tăng lương.
“Chính phủ không bao giờ in thêm tiền để trả lương cho cán bộ, công chức, nên việc tăng lương về bản chất không gắn với lạm phát. Mà lạm phát chỉ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, tài khóa…” - Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
“Tôi sử dụng facebook không bằng con gái”
Độc giả Nguyễn Minh Chung (Hà Nội) hỏi Bộ trưởng một câu hỏi thú vị rằng ông dành bao nhiêu thời gian để dùng Internet mỗi ngày và có trả lời câu hỏi trên facebook hay không?
Về câu hỏi có phần dí dỏm này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã vui vẻ cho biết: “Tôi thường xuyên đem theo Ipad và truy cập mọi lúc, mọi nơi. Tôi đọc tin tức bằng Ipad trên ô tô, lúc nghỉ tại sân bay, hay trước khi kết thúc 1 ngày làm việc vào lúc 10-12 giờ đêm…
Riêng về kỹ năng sử dụng facebook thì ông cho biết mình không bằng con gái nhưng sẽ cố gắng để ngày càng sử dụng tốt hơn” - Bộ trưởng tiết lộ.
Một bạn đọc đặt câu hỏi với Bộ trưởng xung quanh việc thực hiện Nghị định 84 về định giá xăng thực hiện gần 3 năm nhưng Bộ Tài chính chưa giao quyền định giá cho doanh nghiệp. Phải chăng Bộ Tài chính muốn giữ quyền xin - cho lâu hơn?
Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Huệ cho biết: Nghị định 84 từ khi đưa ra thực hiện cách đây gần 3 năm, đặc biệt bắt đầu từ quý 1.2010 đến quý 1.2011 các doanh nghiệp tăng giá liên tục và với mức cao. Trong bối cảnh cần phải kiềm chế lạm phát, Chính phủ và Bộ buộc phải can thiệp, tuy nhiên vẫn trên cơ sở của Nghị định 84, không ra ngoài Nghị định 84.
Về vấn đề giá điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Các cơ quan chuyên môn tính toán rằng khi giá điện tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua 2 vòng. Tính cả vòng 1 và vòng 2, giá điện tăng 5% khiến CPI tăng khoảng 0,369%. Giá điện năm 2012 sẽ tăng nhưng mức tăng sẽ phải tính toán kỹ và vẫn phải thực hiện 2 mục tiêu. Một là đến năm 2013, thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội là các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công về cơ bản thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu thứ hai là đồng thời kiềm chế lạm phát dưới 1 con số, cụ thể là Chính phủ đã đặt mục tiêu khoảng 9%.
Phương Hà