Không chịu được cảnh 11 người, sống hết đời nay sang đời khác trong ngôi nhà đất chật hẹp, Mến quyết định hy sinh tuổi xuân, lấy chồng ngoại quốc để xây nhà cho bố mẹ và ngậm ngùi nếm trải những cay đắng của một cuộc hôn nhân môi giới.
Xây nhà từ sính lễ
Nguyễn Thị Mến, cô gái mới ngoài hai mươi tuổi nhưng đã có một đời chồng, sinh ra trong một hộ nghèo đông con ở một làng quê thuộc tỉnh Thái Bình. Bao năm qua, người dân trong làng vẫn thấy cảnh nhà ông Tuất (bố Mến) 11 người già trẻ, lớn bé sống chen chúc trong ngồi nhà đất cuối làng.
Nhà Mến con đàn cháu đống nhưng không ai có việc làm, anh con cả lại rượu chè cờ bạc nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Vậy mà chỉ sau một tháng Mến về nhà chồng, ông Tuất (bố Mến) đã xây được nhà lầu khang trang.
Ngôi nhà được xây dựng từ sính lễ của cô con gái lấy chồng ngoại quốc
Mến là con gái thứ hai trong gia đình, người anh cả đã lấy vợ gần chục năm nay, có được ba mụn con nhưng vợ bỏ về nhà mẹ đẻ vì không chịu được cảnh chồng say xỉn của chồng. Gia đình bốn thế hệ, trên là ông bà, cha mẹ, dưới Mến còn có 3 đứa em nhỏ. Cũng như những thành viên khác, Mến chỉ học hết lớp 7 vì việc nuôi con ăn học với ông Tuất là quá sức.
Không có bằng cấp nên làm việc gì cũng khó, Mến chỉ quanh quẩn ở nhà làm ruộng, xong việc nhà thì đi làm thuê cho những hộ khác trong làng. Đến hết mùa vụ, cô lại đi đan lát kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống.
Nhà đông người nhưng không có nhiều nhân lực, cuộc sống bươn chải của Mến cũng chỉ đủ nuôi hơn chục miệng ăn. Vậy nên, không ai nghĩ đến chuyện xây nhà, dù đã là căn nhà đất duy nhất sót lại trong làng.
Nhìn cảnh cả nhà nháo nhác tìm chậu hứng nước dột khi trời mưa, Mến cũng mong muốn xây cho bố mẹ một ngôi nhà khang trang, kiên cố. Nhưng cuộc sống nơi miền quê nghèo và những công việc kiếm ăn cô đang làm chẳng thể nuôi nổi ước mơ. Biết chuyện gia đình, một người bạn đã khuyên cô đi lấy chồng Tây.
Mến nhớ lại :“Bạn mình đã nói, nhiều nhà khó khăn nhưng nhờ con gái đi lấy chồng Hàn Quốc mà khá lên nhiều. Kém may mắn gặp người không tốt rồi cũng phải khổ, nhưng chẳng thể khổ bằng ở quê, trước khi lấy chồng còn có khoản sính lễ đón dâu đủ để xây nhà lầu. Nghe nói mình cũng ham lắm. Vả lại, mình cũng không có gì để kén chọn trong chuyện tình cảm, lấy chồng ngoại quốc mình cũng nghe nói nhiều, nếu số may sẽ gặp được người đàng hoàng, tử tế”.
Nghe lời khuyên từ bạn, Mến tìm đến một công ty môi giới hôn nhân trong huyện để đăng kí thông tin cá nhân. Biết chuyện, cả nhà cũng lo lắng vì nghe nhiều tin dữ về cuộc sống cô dâu xa xứ. Nhưng nhìn lại cảnh gia đình, Mến bỏ ngoài tai mọi chuyện, dũng cảm đối mặt với quyết định của mình. Hai tháng sau, Mến nhận được điện gọi, có một người đàn ông Hàn Quốc đã chọn cô làm vợ.
Chồng ngoại quốc cũng làm ruộng
Một tuần sau khi đồng ý, người chồng tương lai của Mến đã sang Việt Nam đón cô về nhà. Không quen biết, không một chút thông tin, cô gái nhắm mắt đưa chân khi cầm 80 triệu từ tay người đàn ông hơn mình mười bảy tuổi.
Bán số trang sức thêm vào cũng đủ tiền giúp bố mẹ xây một ngôi nhà hai tầng chắc chắn. Nhưng Mến đâu lường trước những khó khăn, cay đắng trong cuộc hôn nhân đầy đánh đổi của mình.
Mến chia sẻ: “Mình đâu nghĩ được xa, chỉ vì số tiền này sẽ xây được nhà cho bố mẹ. Anh ấy cũng hiền lành, hơn mình nhiều tuổi nên mình nghĩ sẽ chững chạc và cư xử tốt với vợ. Mình chỉ cảm thấy khó khăn khi không nói được tiếng Hàn và anh ấy cũng chỉ biết một chút tiếng Việt nên khó hiểu được nhau. Mọi người nói nếu mình sang bên đấy, trò chuyện nhiều sẽ học rất nhanh nên mình không do dự khi theo anh sang Hàn”.
Kết thúc đám cưới, Mến theo chân “người chồng lạ” về dinh. Sau nhiều giờ bay và chặng đường dài đi xe bus, cô giật mình trước gia cảnh nhà chồng. Khác xa với những suy nghĩ về cuộc sống giàu sang ở một đất nước khác, nhà chồng Mến cũng làm nông, cũng thuộc diện khó khăn trong huyện. Gia đình có mẹ già và người bố nằm liệt giường đã lâu. Sau này, Mến mới biết, vì nhà nghèo nên chồng cô không lấy được vợ. Anh ta đã bán hết đồ đạc có giá trị trong nhà để lấy tiền sang Việt Nam kiếm vợ và gặp cô.
Hằng ngày, nàng dâu mới phải làm đủ mọi việc trong gia đình, còn chồng thì không một lời hỏi han. Thời tiết lạnh cắt da cắt thịt, Mến vẫn làm quần quật ngoài đồng cho tới tối mịt mới được về nhà để lo toan chuyện gia đình.
Không được trò chuyện với ai nên việc học tiếng Hàn của cô rất chậm. Đêm đến, Mến lấy những cuốn sách dạy tiếng Hàn mua từ Việt Nam ra đọc và tự học một mình. Mến từng nghĩ, do bất đồng ngôn ngữ nên chồng không quan tâm đến cô. Nhưng một thời gian sau, cô mới biết, thì ra người cô lấy làm chồng không hề yêu cô... và càng ngày, anh ta càng tỏ ra mình là người đàn ông gia trưởng, vũ phu.
Mến ngậm ngùi: “Anh ấy không cho mình giao tiếp với ai, chỉ cần chào hỏi thôi cũng đủ để anh ta kiếm chuyện, chửi mắng và đánh đập. Sống cảnh bị đày đọa suốt nửa năm trời, mình quyết định bỏ nhà đi, may mắn gặp được một Việt kiều và nhờ họ giúp để có thể về nhà".
Nửa năm sống trong nhà chồng là những chuỗi ngày đau đớn mà Mến phải chịu đựng. Quay về Việt Nam, Mến vẫn chỉ quanh quẩn bên mảnh ruộng, sân vườn nhưng gia đình đã giúp cô cân bằng lại cuộc sống. Cô gái trẻ giờ đã là phụ nữ một đời chồng nên cô không còn dám hi vọng về cuộc sống hôn nhân sau này nữa.
Mến nói: “Mình chỉ muốn một cuộc sống bình thường bên bố mẹ. Hiện tại, gia đình mình đã xây được căn nhà kiên cố này, hôn nhân của mình như một sự đánh đổi, bây giờ mình chỉ lo chuyện kiếm cơm chứ không dám mơ tưởng đến hạnh phúc gia đình”.