Chuỗi hoạt động nghệ thuật với chủ đề "Tôi Gìn Giữ Vẻ Đẹp" sẽ được diễn ra với 4 ngày triển lãm (15.11.2015 – 18.11.2015) tại Thương mại Hàng Da, Hà Nội. Triển lãm lần này trưng bày những tác phẩm tôn vinh những con người gìn giữ vẻ đẹp được Ban giám khảo và Cộng đồng bình chọn trong cuộc thi làm phim/chụp ảnh "Tôi Gìn Giữ Vẻ Đẹp".
Triển lãm tranh về các nét đẹp của đời sống người Việt
"Tôi Gìn Giữ Vẻ Đẹp" được tổ chức tại Việt Nam từ tháng 7/2015 nhằm tìm kiếm và bình chọn Người gìn giữ vẻ đẹp, đại diện Việt Nam tham dự World Wide Hair Tour 2016 tại nhà hát Dolby (Tên cũ là nhà hát Kodad), Los Angeles, Mỹ vào tháng 1/2016.
Đến với triển lãm, người xem được hòa mình vào một cuộc hành trình đi dọc miền đất nước với những câu chuyện kể đầy cảm hứng về những con người đang ngày đêm gìn giữ vẻ đẹp trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các giá trị xã hội của Việt Nam.
Bộ ảnh “Nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên: Thợ vẽ khôi thần”
Trải qua 3 tháng kể từ ngày phát động (15.7.2015), cuộc thi làm phim/chụp ảnh "Tôi Gìn Giữ Vẻ Đẹp" đã thu hút được hơn 200 đơn đăng ký tham dự, trong đó có 30 bộ ảnh, 14 bộ phim dự thi cùng 9 tác phẩm đồng hành được lựa chọn.
Triển lãm "Tôi Gìn Giữ Vẻ Đẹp" lần này trưng bày 8 tác phẩm đoạt giải chính thức, 9 tác phẩm dự thi khác được Ban giám khảo (BGK) lựa chọn và 3 tác phẩm do Ban tổ chức (BTC) sản xuất và thực hiện.
Rất nhiều bạn trẻ đến thưởng thức nghệ thuật
Rất nhiều những nét đẹp khác nhau trong đời sống Việt đã được thể hiện sống động trong các thước phim, bộ ảnh tham dự cuộc thi Tôi Gìn Giữ Vẻ Đẹp. Đó là nghệ thuật hầu đồng, tuồng cổ, nghệ thuật ca trù, thư pháp Việt, nghệ thuật thiền và các lễ hội truyền thống. Đó còn là những trò chơi dân gian cổ truyền như tò he, đèn kéo quân, đèn lồng trung thu, những cánh diều hay nét đẹp gốm Bầu Trúc, gốm Hương Canh, gốm Bát Tràng.
Các tác phẩm kể những câu chuyện từ làng nghề ông Táo, làng nghề tương Bần, nghề làm nón lá Bài Thơ, đan đó, nghề thêu, đóng giầy cho đến việc gìn giữ và bảo tồn các loại đàn cổ truyền như: đàn tranh, đàn bầu, tam thập lục, đàn đáy, đàn tỳ bà...
Tác phẩm kể chuyện về làng nghề làm đàn bầu
Một số tác phẩm thể hiện các vẻ đẹp từ nghề vẽ truyền thần, phục chế những chiếc quạt cổ, đóng sách thủ công hay nghệ thuật ẩm thực với những chủ đề như gìn giữ những món ăn Việt, quán chè truyền thống, nghệ thuật pha trà, nét tinh tế trà sen Tây Hồ.
Những vẻ đẹp được hiện lên trong một số tác phẩm khác lại là câu chuyện giữ ấm cho lăng đá cổ quê hương, là câu chuyện về những quán cà phê hoài niệm với Sài Gòn một thời xa vắng, hay câu chuyện lịch sử thăng trầm của phố Khâm Thiên, câu chuyện về ông giáo làng. Rồi câu chuyện giữ lửa sân khấu, nghệ thuật cải lương, câu chuyện khám phá, gìn giữ, phát triển các giá trị Việt qua các bộ trang phục thời trang hay gìn giữ, thổi những nét đẹp đương đại vào tà áo dài truyền thống.
Chiêm ngưỡng những nét đẹp truyền thống
Đó cũng là vẻ đẹp của những ngôi nhà gỗ Việt. Hay việc nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hoá nghệ thuật triều Nguyễn. Không chỉ có vậy, hiện lên qua các tác phẩm dự thi còn là những hình ảnh rất dung dị như hình ảnh bà ngoại gìn giữ từng tấc đất, tấc vàng hay câu chuyện nghề thu gom rác, giữ vẻ đẹp đường phố.
Hình ảnh những con người gìn giữ những giá trị Việt trong các tác phẩm cũng thật ý nghĩa và đặc biệt. Có những người gìn giữ vẻ đẹp là những người lớn tuổi, dù trải qua bao biến động của cuộc sống vẫn kiên trì, quyết tâm bám trụ lấy nghề, có những người nghệ sĩ sống hết mình với đam mê, với nghệ thuật. Và vẫn có những người trẻ luôn trăn trở, nguyện đem những năm tháng rực rỡ nhất của mình theo đuổi sứ mệnh gìn giữ, lưu truyền những nét đẹp tinh hoa của đất nước. Còn có cả những người nước ngoài yêu và gắn bó công việc của mình với những giá trị khác biệt của Việt Nam.