Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổng quan tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm được cảm nhận là xấu hơn nhiều so với 6 tháng cuối năm 2012.
Giải pháp chưa có tác dụng
Khó khăn về hàng tồn kho vẫn là bài toán chưa có lời giải đối với doanh nghiệp. Thống kê của VCCI cho thấy, 69,2% doanh nghiệp đồng tình với đánh giá này. Những nỗ lực của doanh nghiệp tìm cách thoát khỏi tình trạng này vẫn chỉ là những giải pháp đã cũ, như tìm kiếm thị trường mới, giảm giá bán, thực hiện các chương trình quảng cáo khuyến mãi, đưa hàng về nông thôn.
Việc tiêu thụ hàng hóa chậm đang là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp (ảnh minh họa). |
Ông Đỗ Khoa Tâm – Giám đốc Công ty Điện tử Biên Hòa cho biết, việc tìm đầu ra cho sản phẩm đang là nỗi lo chung của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay. Bản thân công ty cũng đang tìm cách làm sao để tiếp cận được với các tập đoàn lớn về công nghệ cao như Samsung, Intel, Sony… để chào bán sản phẩm. Theo ông Tâm, các tập đoàn công nghiệp cao khi đầu tư vào Việt Nam thường có những công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ đi kèm, nên việc các doanh nghiệp Việt Nam chen chân vào lĩnh vực này sẽ rất khó. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển.
Tương tự, ông Nguyễn Dương Hiệu – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghiệp & Thương mại LIDOVIT cũng cho rằng, hàng tồn kho trong 6 tháng đầu năm là quá lớn, vì vậy vấn đề ưu tiên của doanh nghiệp lúc này là bán hàng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Cũng theo ông Hiệu, thời gian qua Nhà nước đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, tuy nhiên các giải pháp này vẫn chưa đi vào cuộc sống nên khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong thời gian tới vẫn sẽ hiện hữu.
Sức tiêu thụ hàng ở nông thôn sụt giảm
Trong khi đó, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, để giải quyết bài toán hàng tồn kho, hàng tháng Hội tổ chức đưa 2 chuyến hàng về nông thôn với mục đích xây dựng mạng lưới chân rết ở thị trường này. Tuy nhiên, bà Hạnh thừa nhận, sức tiêu thụ hàng ở nông thôn đã sụt giảm rất nhiều. Nguyên nhân là do người dân không còn nhiệt tình tham gia các phiên chợ, trong khi các doanh nghiệp thiết tha đưa hàng về nông thôn nhưng chưa được hỗ trợ nhiều từ phía Nhà nước nên dần đuối sức. Hàng Việt Nam cũng không thể chen chân trong các kênh phân phối hiện đại bởi sự thống trị của các tập đoàn đa quốc gia và những nhãn hàng riêng của siêu thị.
Theo bà Hạnh, nhằm cải thiện sức cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa nếu không muốn bị đánh bật ngay trên sân nhà.
Theo khảo sát của VCCI, trong 6 tháng đầu năm 2013, khoảng 54% số doanh nghiệp trong diện điều tra có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Trong số này, chỉ có khoảng 36% được ngân hàng đáp ứng vốn vay. Có rất nhiều lý do được đưa ra như lãi suất cao, không có tài sản thế chấp, thủ tục phức tạp, nợ xấu… đã khiến cho các doanh nghiệp bế tắc trong việc vay vốn ngân hàng.
Tuấn Anh