Câu hò ngấm vào máu thịt
Trong suốt nhiều năm qua, Nghệ nhân Phạm Thị Niếu đã rất cố gắng trong việc khôi phục và lưu truyền những làn điệu múa bông, chèo cạn và hò khoan biển cổ xưa... những thứ mà bao thế hệ người dân làng biển Nhân Trạch coi như “hồn” của làng mình vậy.
Làng Nhân Trạch xưa gọi là Lý Nhân Nam, thuộc tổng Hà Bắc, huyện Bố Chánh. Theo các bậc cao niên trong làng thì những điệu hò biển có từ thời Quận công Hồ Đức Cưỡng vào khai canh lập ấp và được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào văn hóa văn nghệ ở Nhân Trạch phát triển cực thịnh, dù chiến tranh ác liệt, tiếng hát ở làng biển này vẫn át tiếng bom rền.
Nghệ nhân Phạm Thị Niếu - người hồi sinh hò biển Nhân Trạch. |
Cụ Phạm Thị Bừ, năm nay đã 78 tuổi nhớ lại: “Mỗi lần có tổ chức văn nghệ hay lễ hội thì cả làng gác hết mọi việc để đi xem, cả bãi đất rộng thênh thang vẫn chật kín người”. Tuy nhiên sau khi hòa bình lập lại, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các phong trào văn hóa, văn nghệ giảm dần. Lễ hội cầu ngư với các làn điệu múa bông, chèo cạn, hò biển ở Nhân Trạch bị trầm lắng xuống. Đứng trước nguy cơ nguồn di sản văn hóa quý báu của quê hương sẽ bị mai một, bà Phạm Thị Niếu ngày đêm trăn trở làm thế nào để duy trì được những điệu hò mang đậm bản sắc văn hóa làng biển mà cha ông đã để lại.
Bà Niếu vốn là một người rất đam mê và thành thạo các điệu múa, câu hò quê hương từ nhỏ. Năm 16 tuổi, cô Niếu đã được các bậc cao nhân trong làng nhìn ra tài năng ca hát và chọn đưa vào đội văn nghệ của lễ hội cầu ngư để truyền dạy. “Hồi nhỏ, tui mê hò lắm, toàn trốn mạ đi xem mấy cụ trong làng tập. Nay đến tuổi bạc đầu cái “máu” ấy đã ngấm sâu vào từng làn da thớ thịt” - bà Niếu tâm sự.
Để chứng minh câu chuyện của mình, bà Niếu đã hào hứng hò luôn cho chúng tôi nghe mấy câu: “Nhìn xem phong cảnh làng ta/Trên sơn, dưới thủy đậm đà ái ân...”. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy mà giọng hò của bà Niếu vẫn khỏe khoắn, thanh trong lạ thường.
Một lòng gìn giữ
Với niềm đam mê đã ăn vào máu thịt, quyết tâm không thể để cho di sản văn hoá quý báu của quê hương bị mai một, năm 2003 bà Niếu cùng với nhiều cụ cao tuổi khác, cùng đam mê, tâm huyết với hò biển ở Nhân Trạch đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Văn nghệ truyền thống xã Nhân Trạch do bà làm chủ nhiệm. Bà Niếu chia sẻ: “Lúc đầu, câu lạc bộ gặp rất nhiều khó khăn, thiếu kinh phí mua phục trang, nhạc cụ... Đặc biệt mỗi lần chính quyền xã tổ chức văn nghệ hay lễ hội nhiều người, rất buồn là thế hệ trẻ của làng lại tỏ ra không hào hứng, thậm chí các cháu còn bỏ về mỗi khi tới lượt các cụ diễn xướng”.
Bà Phạm Thị Niếu
Không nản lòng, các cụ tiếp tục bền bỉ luyện tập, sáng tác thêm nhiều lời diễn cho phù hợp. Dần dà mọi người cũng hiểu ra, đội diễn xướng của bà Niếu chính là đang giữ gìn những văn hóa, là cái “hồn” của làng mà cha ông đã để lại và ai cũng ủng hộ. Nhiều con em Nhân Trạch ở trong làng, trong nước và cả nước ngoài tích cực hỗ trợ tiền cho câu lạc bộ hoạt động.
Hiện nay, Câu lạc bộ Văn nghệ truyền thống xã Nhân Trạch có 55 thành viên tham gia, chủ yếu các cụ cao tuổi, như cụ Nguyễn Mật (82 tuổi), cụ Phạm Thị Bừ (78 tuổi), cụ Trương Trọng Khen (75 tuổi)... Các thành viên câu lạc bộ tiến hành sưu tầm, phục dựng lại lễ hội cầu ngư hàng năm, góp phần khôi phục lại những làn điệu dân ca trong hát hò khoan chèo cạn, các làn điệu hò biển. Bà Niếu cùng các thành viên khác cũng rất tích cực đưa những điệu múa, câu hát cổ xưa của quê hương, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Với những đóng góp to lớn của mình, bà Niếu vừa được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam.
Tuy nhiên bà Niếu cũng rất trăn trở vì hiện nay, trong làng những người trẻ mê hát khoan chèo cạn rất ít, nên việc gìn giữ nét văn hoá làng biển cũng gặp rất nhiều khó khăn...
Phan Phương