Dân Việt

Có nhà máy triệu đô vẫn thiếu nước ngọt

10/07/2013 08:17 GMT+7
(Dân Việt) - Tháng 8.2012, Công ty Doosan của Hàn Quốc khánh thành và đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt cho đảo Bé thuộc huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nhưng, sau 6 tháng, nhà máy lại trở thành gánh nặng với người dân ở đây.

Những tưởng, món quà cho không, trị giá 1 triệu USD của Công ty Doosan sẽ “khai tử” vĩnh viễn những chiếc lu đựng nước mưa của người dân đảo Bé, chấm dứt cơn khát nước ngọt triền miên của 100 hộ dân trên hòn đảo này vào mỗi mùa khô hạn... Nào ngờ, nhà máy hoạt động được 6 tháng thì bắt đầu “nhỏ giọt”. Hiện món quà đầy ý nghĩa của Công ty Doosan đã trở nên vô nghĩa với 500 nhân khẩu của đảo Bé và nhà máy này đã thành gánh nặng với họ. Những chiếc lu đựng nước mưa đã song hành với người dân đảo Bé mấy trăm năm qua, vừa được vứt bỏ khi có nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt, giờ bắt đầu được dùng trở lại.

 img
Trẻ em ở đảo Bé phải tắm trong chậu để tiết kiệm nước. Ảnh minh họa.

Sở dĩ có chuyện trái khoáy này là vì, tâm lý “của cho” đã ăn sâu vào máu thịt “người nhận” nên họ đã không lường hết được những hệ quả khi phải xử lý “của cho” ấy sao cho hiệu quả nhất và có ý nghĩa nhất. Tâm lý ấy không chỉ có ở người dân mà với cả những nhà quản lý ở huyện và tỉnh nữa. Ai cũng nghĩ, người ta cho thì mình cứ việc nhận, từ chối thì phí! Vậy vì sao nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt trị giá 1 triệu USD kia bây giờ nằm lặng im? Tìm hiểu mới hay, khi trao tặng nhà máy, nhà hảo tâm chỉ thông báo “bao” thêm 6 tháng miễn phí nước ngọt, còn sau đó bên nhận quà phải đổ dầu để nhà máy vận hành thì nước biển mới thành nước ngọt được!

6 tháng “bao cấp”, mỗi ngày nhà máy cung cấp 100m3 nước ngọt miễn phí cho 500 nhân khẩu. Nước theo đường ống về đến tận nhà, người dân không chỉ được ăn uống thoải mái mà tắm giặt cũng “vô tư”. Những chiếc lu tích trữ nước mưa bấy giờ đã trở nên vướng víu và… rối mắt, nên bà con vứt bỏ cho rộng đường đi. Nhưng đến tháng thứ 7 - tháng không còn miễn phí nước ngọt nữa, muốn nhà máy vận hành, chuyển nước biển thành nước ngọt, người dân phải góp tiền vào để mua nhiên liệu. Để có một khối nước ngọt, họ phải bỏ ra 119.000 đồng tiền mua dầu, đắt gần gấp đôi số tiền mua một khối nước ngọt từ đảo Lớn chở qua! Đứng trước bài toán này, người dân đã chọn cách là sang đảo Lớn mua nước. Để cho nhà máy khỏi thành đống sắt vụn, chính quyền địa phương phải trích ngân sách ra để mua dầu, nhưng 3 ngày mới nổ máy một lần, mỗi lần cũng chỉ cấp cho mỗi người dân 1 lít nước ngọt!