Dân Việt

Người trồng ngô gánh nợ

10/07/2013 06:37 GMT+7
(Dân Việt) - Đã hơn nửa tháng trôi qua, vụ việc hơn 200ha ngô?ở huyện An Phú (An Giang) đột nhiên bị “chết đứng” vẫn chưa được làm rõ nguyên nhân. Trong khi đó, hàng trăm hộ trồng ngô đang phải gánh một đống nợ.

Nhà nhà thiếu nợ

Những ngày đầu tháng 7 này, đi đến đâu trong huyện An Phú chúng tôi cũng nghe nông dân than chuyện nợ nần vì trồng ngô. Đến xã Khánh An, nơi thiệt hại nặng nhất thì không khí nợ nần còn ảm đạm hơn khi mà hàng trăm nông dân nơi đây ai cũng lo không có tiền trả nợ tiền phân, thuốc cho đại lý và điều quan trọng nhất là chưa biết làm gì trong mùa vụ tiếp theo.

img
Ngô mới ra được vài lá cũng đã xuất hiện triệu chứng “chết đứng”.

Nông dân Trần Văn Tẻ ngồi bó gối trong một chòi lá, mặt mày buồn rượi nhìn ra cánh đồng ngô chết khô cho chúng tôi biết: “Gia đình tui thuê 10 công (1.000m2/công) đất trồng ngô sống cũng tạm qua ngày, nhưng nay thì tiêu rồi. Ngô chết kiểu này ai cũng mang nợ, ăn ngủ không yên. Sắp tới chả biết làm gì và cũng không biết lấy tiền đâu mà trả nợ…”.

Anh Dương Quốc Hùng - Trưởng Ban ấp Thạnh Phú, xã Khánh An cho biết, rất nhiều nông dân trong ấp thiếu nợ các đại lý, gia đình ít nhất cũng cả chục triệu đồng. Đã có nhiều người có ý định bán đất trả nợ. Anh Hùng đưa chúng tôi đi đến nhà những nông dân bị ảnh hưởng nặng trong vụ ngô chết vừa qua. Vừa đến nhà anh Nguyễn Văn Được (có 2 công ngô bị chết) ở đầu ấp thì nhiều nông dân khác hay tin kéo nhau tới than thở và bày tỏ mong muốn được Nhà nước và công ty giống hỗ trợ họ trong lúc ngặt nghèo này.

Anh Được nói: “Bây giờ chuyện nguyên nhân do đâu, tại ai thì tính sau, trước mắt nhờ nhà báo nói giùm mấy ổng (Nhà nước và công ty bán giống) hỗ trợ cho bà con tiếp giống để sản xuất vụ tiếp theo và làm sao có thể can thiệp để các đại lý cho tụi tui thiếu thêm một mùa nữa rồi sẽ trả dồn trong mùa sau…”.

Còn anh Nguyễn Thanh Phương than: “Tui mới thuê 20 công đất, tiền đầu tư hết 4-5 triệu, làm vụ này mới là vụ thứ hai, nay ngô chết gia đình tui còn thiếu nợ đại lý hơn 70 triệu đồng không biết lấy đâu mà trả…”.

Bán đất trả nợ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Khánh An có trên 10 đại lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật lớn nhỏ. Đại lý nhỏ thì cũng cho nợ vài trăm triệu, các đại lý trung bình thì trên 1 tỷ đến vài ba tỷ đồng. Đại lý lớn thì số tiền cho nông dân nợ lớn hơn nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết, trong khi chưa làm rõ nguyên nhân ngô chết, huyện chủ trương vận động nông dân chuyển đổi cây trồng nào thích hợp với đất, đồng thời vận động công ty cung cấp ngô giống có hỗ trợ trước mắt để nông dân tiếp tục sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Lệ - chủ đại lý phân, thuốc Bích Tuyền ở ấp Thạnh Phú soạn ra cho chúng tôi xem gần chục cuốn sổ nợ, cũ có, mới có, và khẳng định:

“Hiện nông dân trong xã nợ tôi ít nhất là 7 tỷ đồng. Có một người đã cầm cố đất, có một người đã bán đất cho tôi trừ nợ. Biết sao bây giờ, vốn liếng tôi cũng phải vay hỏi nhiều nơi. Tình hình thiếu nợ kiểu này chắc tôi tính theo lãi suất ngân hàng (8%), ai không trả thì cầm cố đất hoặc bán đất trừ nợ chứ vốn tui bỏ ra cho mua vật tư bán chịu cho bà con nhiều lắm!”.

Theo thống kê của UBND xã Khánh An, trung bình mỗi công ngô lỗ 2 triệu đồng, trong khi đó toàn xã có hơn 120ha ngô chết thì bà con lỗ khoảng 2,2 tỷ. Và số tiền này đa số bà con nông dân nợ các đại lý.

Thiếu tình

Ông Nguyễn Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An nói: “Lẽ ra công ty phân phối giống phải xuống địa phương phối hợp với chúng tôi việc hỗ trợ cho nông dân trồng bắp, chí ít là hỗ trợ họ giống mới chất lượng đảm bảo để trồng trong vụ tiếp theo. Đằng này họ bỏ nông dân đơn độc trong lúc này tôi cho rằng không hợp tình…”. Cũng theo ông Lợi, diện tích ngô chết vẫn còn tăng lên, thống kê mới nhất của UBND xã Khánh An cho thấy trong khoảng 10 ngày qua đã tăng thêm 11,4ha.