Dân Việt

Bà tôi là cô giáo vùng cao

Bùi Việt Phương 20/11/2015 06:03 GMT+7
Khi tôi còn là cậu bé mải mê chạy theo những cánh chuồn kim trên đồng cỏ, bà đã gọi tôi lại bên bộ bàn ghế đá dưới gốc mai già. Bà dạy tôi cách cầm chiếc bút chì, làm quen với từng con chữ...

Sau này lớn lên, tôi mới được nghe ba mẹ kể về bà. Từ khi thị trấn Thuận Châu (Sơn La) được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, bà và những người thanh niên tri thức khi đó chính là thầy giáo, cô giáo vùng cao Mường Muổi này, dạy con chữ cho các lớp tiểu học.

Ngày đó, hẳn là trường lớp, sách vở chưa thể đầy đủ như hôm nay. Nhưng sự nhiệt tình, hăng hái đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước đã được đề cao. Tôi còn nhớ, thi thoảng bà lại đem cái đèn dầu làm từ vỏ một quả đạn gò lại ra lau chùi. Bà bảo cây đèn đó đã gắn bó với bà suốt bao năm đi dạy các lớp học bổ túc ban đêm, dưới căn hầm sơ tán máy bay Mỹ. Lúc ấy tôi chợt liên tưởng đến ánh sáng kiêm nhường của ngọn đèn dù leo lét nhưng đã nhen nhóm lên khát vọng tri thức của biết bao người học trò thuở ấy.

img

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: baovetreem.bacgiang)

Khi đã về già, bà tôi trở lại với cuộc sống nội trợ gia đình sau bao năm tháng gắn bó với các lớp học ở xã, bản vùng xa. Dưới mái hiên nhà, bà đã dạy bảo cả mấy anh, em tôi và những đứa trẻ quanh xóm những con chữ đầu tiên. Với bao kinh nghiệm trong nghề, bằng sự kiên trì và tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, bà đều giúp cho chúng tôi tự viết được những con chữ nắn nót, tròn trịa như một bước khởi đầu ngay ngắn trước khi bước tới trường. Người làng quý trọng gọi bà là bà giáo.

Nhớ những buổi học đầu tiên, được cô giáo dạy bảo, được gặp các bạn bè nhưng xa bà - cô giáo vùng cao đầu tiên của mình, chúng tôi vẫn thấy nhớ lắm. Mỗi khi tan học về, tôi lại ùa vào lòng bà khoe những trang tập viết mới ở lớp. Bà ân cần khuyên bảo tôi vì những lúc mải mê vui đùa mà bị điểm kém. Bà mua cho tôi chiếc bút máy mới khi được lên lớp hai. Bàn tay bà cần mẫn tẩy vết mực trên chiếc áo của tôi mỗi khi đi học về. Với số tiền lương ít ỏi, bà chắt chiu từng đồng mua cho tôi thép giấy trắng, hay chiếc cặp sách mới…

Để rồi sau này, mỗi khi đến những ngày cuối tháng 11, khi đường phố ngập tràn sắc hoa của ngày tri ân các nhà giáo – Ngày 20 tháng 11 hằng năm, tôi lại lặng lẽ mua một bó hoa đặt lên mộ của bà, với lòng biết ơn và thành kính. Bà mãi mãi là cô giáo vùng cao đầu tiên của cuộc đời cháu, bà có biết không bà?