Trẻ em ở đâu cũng là ấn tượng sâu sắc và đáng yêu. Nhưng với những em bé ở miền sơn cước, đó còn gợi bao suy cảm về sự vất vả, cứng cỏi nhưng cũng rất vô tư, trong sáng khi nhìn các em – những học trò vùng cao cắp sách tới trường.
Mỗi lần được ngắm các bức ảnh nghệ thuật từ ống kính nhiếp ảnh gia, hay từ một chiếc máy ảnh du lịch, tôi đều thấy bâng khuâng như đang trôi về miền ký ức. Không dừng lại ở vẻ đẹp lạ lẫm, mà đó còn là ký ức của một thời tuổi thơ nơi vùng cao với bao gian khó mà hồn nhiên, trong trẻo.
Những em bé - học trò vùng cao (ảnh: Lò Xoa)
Ngày ấy, vào những mùa đông, chúng tôi phải dạy từ rất sớm để tới trường. Không được cha mẹ đưa đi học bằng xe đạp, xe máy như các bạn dưới đồng bằng bây giờ. Con đường đến trường nơi vùng cao là gió lạnh, sương mù bao phủ. Cứ đi một quãng đường lại bắt gặp một đống lửa được các bạn nhóm lên để sưởi ấm, rồi đi tiếp. Bởi thế mà khi tới lớp, nhìn ai tay cũng tím tái nhưng gương mặt đỏ bừng và nứt nẻ bởi sưởi lửa mùa đông.
Những buổi chiều mùa đông ở vùng cao mới thật đáng nhớ. Trước cái giá rét của núi rừng, bàn chân cứng cỏi vẫn bám trên những phiến đá qua con suối để đi làm nương, thu ngô, sắn hay kiếm thức ăn cho vật nuôi. Thi thoảng, bắt gặp một em bé địu em trên lưng theo cha mẹ đi làm nương, đi hái nấm, đặt bẫy… Nhưng trong gian khó, lam lũ ấy, vẫn là nụ cười hồn nhiên khi nô đùa, khi gặp những người du khách hỏi đường. Tình người ấm áp từ nụ cười tuổi thơ như xua tan cái lạnh.
Sau này, có nhiều dịp trở lại miền núi Tây Bắc, thấy các em bé mùa đông đã có thêm những chiếc áo ấm mới, ngày hè đã có thêm những chiếc mũ đội đầu, những chiếc áo dài tay để tránh cái nắng cháy da, cháy thịt nhưng vẫn vẹn nguyên những nụ cười khi vui đùa giữa sân trường.
Có một chút gì đơn giản mà sâu lắng, các em nhỏ vùng cao như những bông hoa nhỏ bé lặng lẽ tỏa hương, khoe sắc giữa đại ngàn. Và trong tôi, hình ảnh những em bé – những học trò vùng cao cắp sách tới trường luôn đầy ắp kỷ niệm.