Vạ miệng vì facebook
Mới đây, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập biên bản xử phạt hành chính 3 đối tượng, mỗi người 5 triệu đồng vì hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội facebook.
Ngày 23, 24.6.2015, hàng trăm người dân tại TP. Huế đã vây kín tiệm vàng Rồng Vàng, do trước đó có kẻ tung tin đồn thất thiệt trên facebook tiệm vàng này bán vàng giả. (Ảnh: I.T)
Trước đó, cuối tháng 6.2015, thông tin cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý có tên Rồng Vàng (chợ Đông Ba, TP.Huế) có hành vi mua bán vàng giả, vàng kém chất lượng và đã bị đóng cửa lan tràn trên mạng xã hội facebook. Thông tin trên lan nhanh trong cộng đồng mạng, gây hoang mang cho nhiều người. Mặc dù người chủ đã đứng ra phủ nhận thông tin sai lệch về chuyện cửa hàng bị đóng cửa và giải thích cho người dân nhưng nhiều người vẫn muốn bán lại số vàng đã mua. Sau khi vào cuộc, cơ quan công an đã nhanh chóng tìm ra những đối tượng đưa ra tin đồn thất thiệt.
Vào tháng 3.2014, Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt 25 triệu đồng đối với Ngô Đình Sơn vì hành vi sử dụng trang mạng cá nhân như một trang thông tin tổng hợp và tung tin bịa đặt trên internet gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội. Trên trang facebook của người này tung thông tin một thanh niên đi xe ôtô Camry qua địa bàn xã Quang Phú (Đồng Hới) và va chạm với một ô tô vận tải. Sau va chạm, tài xế xe Camry đã rút súng ngắn bắn chết hai người đi trên xe tải rồi lên xe Camry trốn chạy.
Tháng 8.2014, khi tình hình dịch bệnh Ebola trên thế giới bùng phát mạnh, ngay tại Hà Nội có người đã tung tin dịch Ebola bùng phát tại Việt Nam. Sau khi vào cuộc Công an TP.Hà Nội đã làm rõ vụ việc. Theo đó, người có tên là Ðỗ Thùy Linh đăng bài trên facebook với nội dung: “Các mẹ ơi tin khẩn, dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam rồi nhé, tại Bệnh viện Bạch Mai, tin nội bộ nên không để lộ ra. Các mẹ biết để phòng tránh cho gia đình và bé con nhé”. Thông tin này Linh đưa lên Hội Nuôi con bằng sữa mẹ Việt Nam có trên 2.600 thành viên để cảnh báo. Với hành vi vi phạm trên, Công an TP.Hà Nội đã quyết định xử phạt hành chính người đưa tin thất thiệt 20 triệu đồng.
Luật khó bao quát phát sinh từ mạng xã hội?
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 và 10, khi góp ý cho dự thảo Luật An toàn thông tin mạng, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã 2 lần nhắc lại câu chuyện vào tháng 6.2015, một nữ sinh ở Đồng Nai đã uống thuốc diệt cỏ để quyên sinh vì bạn trai tung ảnh riêng tư lên facebook.
"Nhưng điều đáng lo ngại và đau xót hơn là trong khoảng thời gian ba ngày nữ sinh đó được cứu chữa tại bệnh viện trước khi qua đời, các hình ảnh đó tiếp tục được lan truyền trên mạng kèm theo những bình luận hết sức ác ý. Nhưng gia đình em không biết làm gì, cầu cứu ai, cơ quan quản lý nhà nước nào để ngăn chặn hiện tượng này" - ĐB Hải nói.
ĐB Hải cho rằng, việc xây dựng những quy định về bảo vệ thông tin riêng là vấn đề rất khó về mặt công nghệ nhưng nó lại thực sự cần thiết cho đời sống ngày nay khi việc trao đổi, chia sẻ thông tin riêng qua mạng lại trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đa số mọi người.
"Tôi cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu để bổ sung thêm các quy định về bảo vệ thông tin riêng để dự luật mang tính hoàn thiện hơn, bao quát hơn. Đây là một đòi hỏi thực tế của cuộc sống" - ông Hải góp ý.
Ngày 19.11, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng. Chia sẻ với NTNN, ĐB Nguyễn Thanh Hải cho biết, vấn đề ĐB góp ý không được Ban soạn thảo tiếp thu, lý do là vấn đề này sẽ được quy định trong Luật Báo chí, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự...
"Tôi cũng rất kỳ vọng tới đây sửa Luật Báo chí, như hôm Bộ trưởng Bộ TTTT trả lời chất vấn có nói nhiều đến vấn đề về trang thông tin điện tử tổng hợp và các mạng xã hội. Những trang mạng này nếu đưa những thông tin tốt, thông tin chính thống sẽ là cánh tay nối dài của báo chí để đưa thông tin đến bạn đọc. Tuy nhiên nếu việc quản lý của Nhà nước không tốt, ảnh hưởng tiêu cực của nó sẽ ảnh hưởng rất lớn lên đời sống, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người dân như ví dụ tôi từng nêu" - ĐB Hải nói. ĐB Hải cho biết thêm, khi Luật được thông qua, tinh thần mà Ban soạn thảo mong muốn đó là sự an toàn của thông tin được lưu truyền trên mạng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Nếu dùng facebook chia sẻ tình cảm, giao lưu, tuyên truyền những thông tin tốt thì không có vấn đề gì. Ngay cả Chính phủ cũng dùng các trang mạng để trao đổi thông tin. Còn khi các trang mạng xã hội đưa thông tin của cơ quan nhà nước, báo chí thì phải dẫn nguồn tin chính thống, không được biến tấu đi, dễ gây hiểu lầm cho độc giả. Số lượng người tham gia mạng xã hội là rất lớn nên nếu đưa đúng thì thông tin được lan rộng, như cánh tay nối dài của báo chí, làm thông tin của Đảng, Nhà nước được tuyên truyền sâu rộng hơn. |
Ông Đào Trung Thành – Chuyên gia cntt: “Like” không phải đồng tình Việc tung tin sai sự thật, kích động, gây hoang mang hay xâm hại đến đời tư cá nhân trên mạng xã hội đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, việc xử phạt hành vi nói xấu người khác trên mạng xã hội thì cần được đánh giá xem xét mức độ. Đối với việc cá nhân bị xử phạt vì "like” hay “comment" dưới dòng trạng thái được coi là nói xấu, pháp luật chưa quy định cụ thể. Tôi có thể "like", nhưng không có nghĩa là tôi đồng tình với ý kiến đó. Việc "like" chỉ là xác nhận tôi đã xem chứ không bao hàm việc tôi đồng thuận với tác giả. Tương tự vậy, việc để lại "comment" cũng có thể là đùa khi lướt mạng xã hội. Vì vậy, rất khó để xác định cơ sở xử phạt người "like, comment" dưới dòng trạng thái của người khác. Minh Phong (ghi) |