Trao “cần câu”
Sau nhiều lần “vật lộn” với nghề chăn nuôi, trồng trọt nhưng đều thất bại, năm 2012, các anh Võ Văn Phong và Lê Kim Đan (phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn) đã tham gia lớp học nghề do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Bình Định tổ chức. Anh Phong kể: “Khi tham gia lớp học nghề trồng trọt và chăn nuôi, cả tôi và Đan đều được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực này. Từ đó, 2 anh em quyết định mở rộng mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ”.
Ông Quách Hồng Dục (đeo kính) đang tham quan tại gia trại của anh Lê Kim Đan. Ảnh: Dũ Tuấn
Hiện nay, mỗi năm gia trại của các anh Phong và Đan nuôi 6 con bò vỗ béo, hàng ngàn con ếch Thái Lan và cá trê, chồn hương… đạt tổng doanh thu lên đến 300 triệu đồng.
Anh Phong tâm sự: “Nhờ có Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Bình Định mà tôi biết được phương pháp chăn nuôi hiệu quả. Đặc biệt, tôi hiểu được nỗi niềm của người nông dân và hiện nay. Tôi đang đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Nhơn Phú, đó là niềm vui rất lớn”.
Cũng giống Phong, anh Đan xem Trung tâm là nơi “thắp sáng” để anh có động lực học tập, làm giàu. Sau khi học tại Trung tâm, anh bắt xe vào tận các tỉnh phía Nam để tìm hiểu phương thức làm ăn, rồi về mở rộng mô hình chăn nuôi.
“Trang trại của chúng tôi chỉ tận dụng nguồn thức ăn rẻ tiền những vẫn đảm bảo được chất lượng dinh dưỡng. Cá trê thì cho ăn bột, rồi phụ phẩm từ các lò mổ heo, cám dành cho ếch… Trung tâm Dạy nghề đã trao kiến thức làm ăn giúp tôi ổn định kinh tế. Thực ra khi có được vốn kiến thức thì mình chăn nuôi rất dễ, nắm bắt được chế độ sinh trưởng, phòng chống dịch bệnh, nguồn thức ăn… lúc đó rất an tâm”- anh Đan chia sẻ.
Người thầy lặng lẽ
" Vượt qua khó khăn, nhiều giáo viên của Trung tâm đã đến tận vùng cao xa xôi, tranh thủ cả ban đêm để truyền đạt kiến thức giúp người dân làm ăn. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì việc dạy nghề ổn định và mở rộng thêm các mô hình về hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập”. |
Nhiều tháng nay, anh Nguyễn Thanh Hùng – kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt, là giáo viên dạy nghề tại Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Bình Định vẫn miệt mài mang kiến thức đến với người nông dân. Vì đa số học viên bận việc đồng áng nên anh phải tranh thủ dạy vào ban đêm và tá túc ngay tại nhà của người dân địa phương.
Anh Hùng cho biết: “Lớp học được khai giảng tận thôn, xóm để bà con có thể dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt, có những học viên tật nguyền, hoàn cảnh rất khó khăn những họ vẫn đến lớp đều đặn. Đó là động lực để những người truyền kiến thức như tôi luôn bám lớp dù là vùng đất xa xôi hay trời mưa gió”.
Anh Hùng cho hay, để học viên yên tâm, Trung tâm tìm và chọn những ngành nghề có đầu ra trên thị trường và phối hợp các ngành chức năng để thành lập tổ hợp tác, nhóm hộ xây dựng thương hiệu sản phẩm, tránh tình trạng o ép giá. “Việc học phụ thuộc vào yêu cầu và thời gian của học viên. Có những chuyến đi, tôi phải “khăn gói quả mướp” đến “đóng quân” ở bản dài ngày. Khi kết thúc lớp, được các học viên tặng quả xoài, củ sắn làm quà nhưng nhìn họ ứng dụng kiến thức học được vào thực tế hiệu quả, mình vui lắm”- anh Hùng bộc bạch.
Theo ông Quách Hồng Dục- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định, kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã phối hợp Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mở lớp dạy nghề và xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh cho 700 học viên. Chủ yếu là các lớp học sơ cấp về chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau an toàn… Đặc biệt, các lớp học này đều hoàn toàn miễn phí để giúp người dân phát triển kinh tế.