Chỉ riêng xoài cát chu, mỗi năm Đồng Tháp cung cấp cho thị trường nội địa 13.600 tấn, xuất khẩu 22.800 tấn. Nếu cứ xuất khẩu trái tươi sang Trung Quốc, muôn đời không có giá tốt.
Sấy là một giải pháp dễ thấy. Nhưng cái khó là nguồn nông sản dồi dào nhưng không đồng đều, không chuẩn mực và thị trường sẵn sàng bùng phát cạnh tranh giá cả khi có đầu ra. Đó là sức ép không hề nhỏ đối ý tưởng khởi nghiệp tại quê nhà của ông Võ Phát Triển.
Ông Võ Phát Triển
Thấy khó vẫn làm
Với hơn 200 tỉ đồng đầu tư, có người nói ông Triển chỉ cần gởi vào ngân hàng lấy lãi, dù lãi suất thấp cũng ăn không hết. Nhưng tâm huyết của một người từng xa xứ lớn hơn số vốn mà ông Triển đã đầu tư. Tại sân bay, trông ông Triển tong teo như con “chằng hiu” khệ nệ đẩy đồ ra… toàn moteur, dây địện lũ khũ. Ông Triển đã cất công cộ hàng trăm tấn thiết bị từ Đức về tới huyện Thanh Bình.
Gia đình đã một lần đưa ông trở lại Đức, đặt 4 Stent vô động mạch vành khi ông gắng sức vượt qua những khó khăn, rắc rối trong việc xây dựng nhà máy. Đột quỵ là nguy cơ có thật.
“Cả tháng 11 này, lớp công nhân đầu tiên lo học cách xắt xoài, học quy trình sấy xoài. Mùa này sấy xoài lâu hơn, chi phí cao nhưng chưa đẹp như năm ngoái”, ông Triển nói chuyện nhà máy như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Được một người cha đỡ đầu lo ăn học, ra trường, vào làm việc tại công ty Maurer nổi tiếng về công nghệ chế biến thực phẩm chất lượng cao ở Đức, ông Triển là người Á Châu đầu tiên được mời vào nhóm chuyên gia kỹ thuật của công ty này, cùng làm việc với người bản xứ. Sau 35 năm định cư tại Đức, ông Triển nói với các đồng nghiệp Maurer rằng ông muốn làm một nhà máy sấy từ thiết bị của Maurer tại nơi mình được sinh ra. Bạn bè khích lệ, sẵn sàng hỗ trợ nếu ông yêu cầu.
“Bạn tưởng tượng người sống ở Đức sẽ sẵn sàng mua trái cây sấy dẻo khi một người Việt Nam rao hàng?”, một người bạn của ông đặt ra thứ thách và nói tiếp: “Khi người Đức nói về sản phẩm mà họ tin thì bạn mới bán được. Người đó là chúng tôi”. Nền tảng cho một mạng lưới phân phối do bạn bè ở Đức đã hình thành từ đó.
Vấn đề là sản phẩm đúng chuẩn và việc thẩm định từ những người bạn thẳng thắn khi sang nhà máy thẩm định, đánh giá mọi điều kiện từ vệ sinh an toàn thực phẩm tới việc quản trị toàn hệ thống sản xuất, vận chuyển, cung ứng sang EU. “Trong nhà máy, tôi sẽ lo được nhưng nguyên liệu đầu vào an toàn phải chọn lựa nên khi có đơn đặt hàng lớn thì sẽ không đủ hàng”, ông Triển nhìn thấy những khó khăn trước mắt.
Tháng 10.2015, một số đơn đặt hàng từ EU cho thấy không chỉ nguồn nguyên liệu tưởng chừng dồi dào, vẫn có thể bị đứt do sàng lọc sản phẩm an toàn và công suất nhà máy có thể sẽ hụt so nhu cầu nếu đặt hàng gia tăng.
Giá trị gia tăng
Ông Triển có một nhóm chuyên gia thiện chí là các nhà khoa học như PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc, viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, PGS.TS Nguyễn Phú Son… Nhờ vậy ông hiểu được thị trường và đặc điểm những vùng nguyên liệu (xoài, ớt, khóm, thanh long) khi giải quyết bài toán tiền vốn thu mua, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ nguyên liệu…
Tết năm ngoái, ông Triển thử sấy ba loại trái cây “cầu, đủ, xoài” sau khi sấy khóm và thanh long. Xoài Cao lãnh nổi tiếng tới bên Tàu, mỗi năm ăn hàng chục ngàn tấn. Khi ra mẻ sấy đầu tiên, từng miếng ráo hoảnh, bắt mắt, nhưng có lẻ mẻ thanh long mới tạo bất ngờ. Loại thanh long ruột trắng, giá bèo, sấy dẻo, cắn một miếng vừa dẻo vừa giòn, vừa ngọt vừa chua. Chưa ở đâu có loại trái cây sấy dẻo mà nhai cũng lắm “cung bậc” như vậy.
Ông Võ Hoàng Ngọc Long , phó giám đốc công ty TNHH TMDV Bé Dũng ở thôn Đại Thành, xã Mường Mán, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận cho biết ngay khi giá thanh long bèo bọt, ông Triển đã sẵn sàng chia sẻ thiết bị và chuyển giao công nghệ để công ty này có một nhà máy sấy ngay tại vùng nguyên liệu thanh long Bình Thuận. Thanh long sấy của công ty Bé Dũng đã bán ra thị trường và xuất khẩu. “Tùy theo mùa, để có 1 ký thanh long sấy cần 18 đến 20 ký tươi. Nhà máy ngốn một lượng thanh long rất lớn, giá từ 28.000 còn 13.000 đ/kg nên sấy là giải pháp tốt nhất. Vấn đề là tìm tới phân khúc nào có giá tốt cho thanh long sấy dẻo”, ông Long nói.