Bất chợt, gặp hình ảnh gùi sắn nặng trên lưng của cô gái vùng cao, trong tôi chợt mênh mang những xúc cảm thật lạ. Đó vừa là những hoài niệm về ký ức xa mờ, vừa là niềm vui khi gặp lại hình ảnh quen thuộc ấy, vừa có chút ngậm ngùi của một thời gian khó.
Gùi sắn nặng trên nương (ảnh: Hà Phương).
Ngày ấy, tưởng như mới hôm qua khi vẫn còn đây đèo vắng, cây đa già, con suối nhỏ đá cuội trắng phau… Cha mẹ tôi theo những lớp cán bộ lên công tác ở miền Tây Bắc. Những ngôi trường nằm ven đồi, dưới chân núi, những dãy nhà tập thể cán bộ nằm xen kẽ với dân bản, lá cờ đỏ trên sân trường bay phấp phới giữa nền trời, núi đồi xanh. Những bữa cơm đầu tiên khi dựng nhà mới, lửa chưa ấm bếp thì đã có bữa xôi độn sắn mà bà con trong bản mời các gia đình cán bộ. Bà con nơi đây mộc mạc lắm, canh lá sắn nấu cá, củ sắn nướng… đón tay những em bé, nghĩa tình đơn sơ ấm áp, vỗ về những tâm hồn ấy sáng trong đến khi khôn lớn.
Nhìn những cây sắn trên nương, lại được những người già trong bản kể, tôi hình dung ra những năm kháng chiến, đã có bao đội du khích, cán bộ hoạt động bí mật được nuôi giấu trong rừng bằng những nương sắn như thế. Cây sắn như tình người lam lũ, bám đồi cằn mà sinh sôi. Những chiếc lá xanh ủ men thành món ăn ngon miệng. Khoanh sắn nướng bùi vùi trong than hồng mang hương vị ngọt ngào, chân thật chẳng thể nào quên.
Thế rồi, năm tháng qua đi, những ngôi trường từ thời sơ tán dần chuyển về các khu thị trấn, thị xã. Những nương sắn, bữa cơm xôi độn sắn dần chỉ còn trong câu chuyện kể khi bữa cơm mọi gia đình đã thịnh soạn hơn. Trong những chuyến đi qua những miền đồi, từ khung cửa kính xe ngước nhìn lên, tôi vẫn bắt gặp màu xanh quen thuộc ấy. Khúc sắn luộc ngắn ngủn trong chiếc rổ ủ nóng bán rong trên phố chẳng đủ ấm lòng những mùa đông nơi phố thị.
Dường như, có một chút gì nhỏ bé đã xa nhưng cũng đủ làm ta bâng khuâng khi gặp lại như hình ảnh gùi sắn nặng trên nương.