Ở miền Tây Nam bộ có rất nhiều món ăn sáng. Từ những thứ đơn giản như khoai nấu, bắp nấu đến cơm chiên, bún nước lèo hay xôi ngọt, xôi mặn, bánh canh, bánh tằm. Miền Tây Nam bộ cũng nức danh với món hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang), hủ tiếu Sa Đéc (Đồng Tháp), …
Những tô hủ tiếu chan nước súp ngọt lịm, đắm say hồn người bao thế hệ. Ngoài những tô hủ tiếu nước đó, người dân quê còn dùng món hủ tiếu hấp, hủ tiếu xào.
Món hủ tiếu hấp được bà con lao động ưa chuộng nhất và lưu truyền, phản ánh sự tổng hòa nghệ thuật ẩm thực xưa của đồng bào các dân tộc anh em Kinh – Hoa – Khmer... ở vùng đất trù phú này.
Hủ tiếu hấp (ảnh sưu tầm; Nguồn: Internet).
Theo kinh nghiệm của bà con, muốn làm món hủ tiếu hấp, trước tiên ta phải chọn những cọng hủ tiếu tươi, có độ dai và mềm. Cái khéo của người chế biến là ước chừng được lượng hủ tiếu vừa đủ một lần ăn rồi dùng tay xé rời ra từng cọng, sau đó cho vào xửng hấp cách thủy. Hơi nước sẽ làm cho hủ tiếu nóng và mềm. Không có chuyện đem hủ tiếu hấp đi hấp lại nhiều lần vì làm như vậy món ăn sẽ không còn sự hấp dẫn nữa.
Tô hủ tiếu hấp (ảnh: M.K).
Hủ tiếu hấp khi trút ra dĩa, rải bì trộn thính và thịt heo nạc xắt sợi, chả giò chiên hoặc thịt nướng, xíu mại. Hay có khi người ta còn cho lên đó thịt gà nướng, trứng cút đã lột vỏ, dưa leo, giá và một ít rau húng quế, mỡ hành phi thơm,...
Riêng nước mắm chan món bún này phải được pha bằng nước mắm nấu với đường cát, kết hợp cùng tỏi ớt bằm nhuyễn và chanh chua sao cho hài hòa, thơm ngon và bắt mắt.
Sáng sáng, dọc các con đường làng, đường phố những quán cóc bày bán món ăn sáng bình dị này. Nông dân trước khi ra đồng, học sinh trước khi bắt đầu ngày học mới thường hay ghé qua để có cái no lòng. Hương vị món hủ tiếu hấp lan tỏa mãi cùng với người đã từng được thưởng thức nó.