Dân Việt

Vẫn hấp dẫn đồ chơi thủ công xưa của trẻ em

Bài, ảnh: Ba Cần Thơ 25/11/2015 13:02 GMT+7
Nếu như bạn có dịp đi ngang qua các trường Mẫu giáo và Nhà trẻ tại TP.Cần Thơ, hẳn sẽ bắt gặp những người bán đồ chơi thủ công cho các trẻ trước cổng trường. Những âm thanh “lắc cắc … lắc cắc” cứ vang lên đều đặn đã gây sự tò mò, chú ý cho các bậc phụ huynh đứng đón các cháu nơi cổng trường.

Và, khi tiếng chuông báo giờ tan học bắt đầu, các em lại chạy ùa ra cổng trường, nấn ná ngắm nhìn các món đồ chơi lạ lẫm và âm thanh vui tai. Các em đâu biết rằng, đó là những món đồ chơi trẻ em kiểu cách xưa cũ, khác và lạ hẳn so với đồ chơi điện tử bày bán sẵn tại các cửa hàng.

Nép sát bên cổng trường, tôi chú ý quan sát điểm bán khiêm tốn của đôi vợ chồng trung niên với màu da sạm nắng, vẻ mặt chân chất, thật thà. Trên một tấm nylon rộng chừng khoảng 1,5 vuông là những món đồ chơi thủ công cho trẻ đầy màu sắc như: Chiếc xe đẩy hình chim thiên nga, những chú rùa, chú chuột, xe tải, v.v... Những đồ chơi đơn giản mà xinh xắn, lại có cả dây kéo, có cây đẩy, được nhiều phụ huynh cũng thích thú, nán lại lại mua một vài sản phẩm cho các em.

img

Tôi được người bán hàng kể cho biết, gia đình anh có 3 con đã trưởng thành, trước giải phóng làm ruộng. Cuộc sống chật vật thiếu thốn. Vì thế, anh phải mưu sinh kiếm sống với nhiều nghề khác nhau. Nhận thấy, bên láng giềng có hộ gia đình làm đồ chơi trẻ em bán nơi chợ, trường học có thu nhập tương đối ổn định. Vì thế, anh liền qua nhà hàng xóm xin học nghề và được anh em tận tình giúp đỡ chỉ dạy. Vốn bản tính cần cù cộng với sự thông minh nhạy bén sẵn có, khoảng chừng 2 tháng học nghề, anh có thể làm được tất cả các khâu. Thấy những kiểu dáng cũ không có sức thu hút khách hàng, anh tự mày mò sáng tạo thêm những kiểu dáng đồ chơi với màu sắc bắt mắt để hấp dẫn các em hơn.

img

Để có nguyên liệu thực hiện ý tưởng của mình, anh phải đến cửa hàng mua da vụn, mút xốp giày dép vụn với giá 20 – 30.000đồng/kg, cùng với những phụ liệu khác như: Tre, mây, dây chì, màu nước, chỉ, kim bấm, bọc nylon, v.v... về dùng kéo cắt theo rập có sẵn, vẽ màu nước lên những hình dáng con vật là xong. Riêng bánh xe bằng đất, anh phải vò đất sét, cắt miếng phơi khô rồi mới ráp. Giá bán: Xe tải nhẹ, Xe đẩy (hình thiên nga, bướm): 10.000 đồng/chiếc; Rùa, Chuột (kéo dây): 5.000 đồng/con. Bình quân mỗi ngày, anh bán được 100 món đồ chơi (các loại như rùa, chuột, thiên nga, bướm…), trừ chi phí (bình quân 1.500 đồng/ sản phẩm), anh còn thu nhập được khoảng: 300.000 đồng/ ngày.

Trên đường về nhà, tôi miên man suy nghĩ tưởng rằng những loại đồ chơi thủ công dân dã mộc mạc sẽ bị “xóa sổ” trước sức công phá ồ ạt của những sản phẩm đồ chơi trẻ em của Trung Quốc với kiểu dáng đa dạng hấp dẫn. Nhưng không, trước mắt tôi hôm ấy, các “bà mẹ thông minh” đã hiểu quá rõ những món đồ chơi ngoại nhập đắt tiền... Chính vì thế, đồ chơi trẻ em thủ công truyền thống xưa kia vừa rẻ tiền, vừa thân thiện. Vậy là, đồ chơi trẻ em xưa vẫn còn đất sống…