Trong khuôn khổ triển lãm hàng không Paris Air Show 2013 vừa qua, Thales-tập đoàn chế tạo vũ khí lớn nhất nước Pháp, đã trình làng hệ thống pháo phòng không tối tân Rapidfire. Loại pháo này được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới của pháo phòng không.
Rapidfire được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới của pháo phòng không. |
Sự phát triển nhanh chóng của các loại máy bay chiến đấu với tốc độ nhanh hơn, tầm hoạt động cao hơn cùng với đó là bước tiến thần tốc của các loại tên lửa mới, khiến cho vai trò của pháo phòng không ngày càng trở nên bị lu mờ. Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định pháo phòng không sắp hết thời trên chiến trường.
Tuy nhiên, khi sự phát triển rầm rộ của các loại phương tiện bay không người lái (UAV) có tốc độ chậm, trần bay thấp, lực lượng quân sự các nước trên thế giới lại “lau bụi” những khẩu pháo của mình với hy vọng đối phó với mối đe dọa mới này.
Rapidfire là một modun pháo phòng không tích hợp được thiết kế để chống lại các mục tiêu nhỏ như vậy. Cụ thể hơn, mục tiêu của loại pháo phòng không này bao gồm: máy bay chiến đấu cánh cố định bay thấp, trực thăng, UAV, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác như bom thông minh...
Rapidfire là sản phẩm của Liên doanh giữa Thales (Pháp) và Nexter (Anh). Do được đặt trên khung gầm xe tải chuyên dụng, loại pháo này có tính cơ động rất cao.
Rapidfire được trang bị một pháo 40mm do Nexter phát triển. Điểm đặc biệt là loại pháo này được trang bị một loại đạn hoàn toàn mới. Được thiết kế đặc biệt cho các ứng dụng trong pháo phòng không, loại đạn này có khả năng tạo ra vụ nổ trên không rất độc đáo.
Đạn pháo mới có chứa một lượng các viên vonfram được kiểm soát bởi một ngòi nổ hẹn giờ. Kích hoạt vài giây sau khi bắn, ngòi nổ hẹn giờ này sẽ phát nổ tương ứng với khoảng cách đến mục tiêu do các hệ thống cảm biến ghi nhận. Vụ nổ sẽ tạo ra một đám mây thép có khả năng tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào bay vào nó.
Tháp pháo của Rapidfire được điều khiển từ xa cùng hệ thống đạn dược. Hệ thống cảm biến quang-điện của pháo có khả năng phát hiện một máy bay chiến đấu ở cự ly 30km, phát hiện trực thăng ở khoảng cách 15km.
Pháo sử dụng hệ thống kiểm soát CONTROL Master 60, bao gồm: 1 radar giám sát, hệ thống kiểm soát và modun điều khiển. Hệ thống được cung cấp bởi tập đoàn Thales này, có thể kiểm soát 6 pháo phòng không tự hành Rapidfire cùng lúc.
Trước khi vào trạng thái chiến đấu, xe tự hành sẽ dừng lại, 4 chân trụ thủy lực sẽ cố định xe phóng nhằm tăng độ ổn định khi bắn. Pháo tự hành sẽ tiến hành kết nối thông tin với hệ thống kiểm soát bắn. Việc thiết lập hệ thống thông tin liên lạc mất khoảng 1 phút.
Theo giới thiệu từ tập đoàn Thales, pháo phòng không tự hành Rapidfire có thể khai hỏa tiêu diệt mục tiêu trong vòng 4,5 giây từ khi mục tiêu bị phát hiện bởi hệ thống radar. Pháo có tầm bắn hiệu quả 4.000 mét với các mục tiêu đường không và 2.500 mét với các mục tiêu mặt đất.
Pháo có tốc độ bắn 200 phát/phút. Số lượng đạn pháo để tiêu diệt một mục tiêu chỉ từ 1-10 đạn pháo. Khả năng này làm tăng giá trị sử dụng của pháo lên gấp nhiều lần. Ngoài ra tháp pháo cũng có thể gắn thêm 6 đạn tên lửa Starstreak.
Đặc tính thiết kế của Rapidfire có nhiều đặc điểm tương đồng với hệ thống pháo tích hợp tên lửa phòng không của Nga như 9K22 Tunguska, Pantsir-S1. Tuy khả năng cung cấp hỏa lực của Rapidfire không mạnh bằng các hệ thống của Nga nhưng nó có điểm độc đáo về đạn pháo mà hệ thống của Nga không có được.
Rapidfire đã trải qua thử nghiệm trong Không quân Pháp vào năm 2011 với kết quả rất khả quan. Loại đạn pháo mới cũng đã được thử nghiệm trong năm 2012 với kết quả tối ưu. Dự kiến thời gian tới Rapidfire sẽ trở thành loại pháo phòng không chủ lực cho quân đội Pháp nhằm thiết lập chiếc ô bảo vệ cho lực lượng mặt đất hoạt động.
Minh Châu