Thu tiền tỷ mỗi năm
Nhơn Hải được mệnh danh “vựa tôm hùm” của Bình Định. Nuôi tôm năng suất, sản lượng cao và điều kiện tự nhiên thuận lợi góp phần cải thiện đời sống người dân.
Bắt đầu nuôi tôm hùm thương phẩm từ năm 2008, ban đầu ông Phạm Thành Thệ thả nuôi trên diện tích 1,5 ha. Do kinh nghiệm còn hạn chế, ban đầu ông thả với lượng vừa phải (100 con), con giống được bắt từ Chi cục Nuôi trồng Thủy sản địa phương. Cùng với kỹ thuật cho ăn, cải tạo lồng bè, ông có mặt thường xuyên ở khu vực nuôi. Hơn 1 năm sau, ông bắt đầu thu hoạch với sản lượng hơn 600 kg tôm thương phẩm. Trừ chi phí, vụ đầu tiên lãi khoảng 200 triệu đồng.
Ông tiếp tục đầu tư cho những vụ tiếp theo. Qua mỗi năm, kinh nghiệm tích lũy càng nhiều hơn, ông nuôi tăng dần qua mỗi năm với số lượng vài trăm con tôm hùm giống. Trung bình, mỗi năm trừ chi phí, ông thu lãi 300 triệu đồng trở lên. Tiếng lành đồn xa, ông Thệ được nhiều người nuôi tôm trong thôn, tại các xã khác đến học hỏi kinh nghiệm. Nhiều thương lái cũng đến tận nhà ông để đặt hàng.
Trước nhu cầu thị trường, từ năm 2013 lại đây, ông Thệ nuôi với lượng nhiều hơn. Với lượng nuôi tôm giống 2.500 - 2.600 con (giá trung bình 300.000 đồng/kg), mỗi ngày tôm tiêu thụ trên 2 tạ thức ăn. Với giá trung bình 1.700.000 đồng/kg tại thời điểm bán tôm thương phẩm, trừ chi phí, ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Nuôi tôm hùm thương phẩm ở Bình Định - Ảnh: Ngọc Nhuận
Kinh nghiệm nuôi tôm của ông Thệ cho thấy, từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch, tôm nên được thay lồng 3 lần, lồng được vệ sinh sạch sẽ trước khi bỏ vào nuôi. Lúc đầu, chỉ nên cho tôm ăn (rau tạp, sò, cua ghẹ…) nghiền nhỏ. Khoảng 1 tháng sau, tôm lớn hơn, có thể cho vào lồng lớn hơn. Sau 2 tháng tiếp theo, nên thay lồng kích cỡ lớn nhất và duy trì lồng này đến lúc thu hoạch. Nên thả nuôi tôm mùa biển lặng gió (tháng 1 âm lịch).
Theo ông Thệ, với nghề nuôi tôm hùm thương phẩm, người nuôi cần thả nuôi tôm giống cỡ 15 - 20 g/con, khi tôm ương được 2,5 - 3 tháng thì thả nuôi với mật độ 12 - 15 con/m2 đáy. Khung lồng dạng hình hộp, thường được thiết kế đáy vuông (cỡ 3 x 3 x 1,4 m). Sau 20 - 24 tháng nuôi, tôm đạt cỡ 800 g/con, tùy vào giá tôm thị trường, có thể thu hoạch tôm thương phẩm.
Mong sớm ổn định diện tích nuôi
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Thệ và những người nuôi khác tại địa phương luôn đau đáu nỗi lo điều kiện thời tiết, dịch bệnh trên tôm, đặc biệt giá bán tôm không ổn định, luôn bị thương lái ép giá, khiến giá tôm thường thấp hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg giá thị trường. Hơn nữa, nghề nuôi tôm có nguy cơ bị mất do diện tích nuôi tôm có thể được dùng vào mục đích phát triển du lịch địa phương. Hiện nay, do thực hiện chính sách quy hoạch của UBND thành phố Quy Nhơn, các hộ nuôi tôm hùm phải trả lại diện tích mặt nước, di chuyển lồng bè sang vùng nuôi khác.
Trong khi đó, để có vốn đầu tư cho nuôi tôm, nhiều người đã phải thế chấp nhà bằng hộ khẩu, số tiền nhiều nhất 30 triệu đồng/hộ. Tổng số tiền đầu tư cho nuôi tôm khoảng 400 triệu đến 1 tỷ đồng/hộ. Do đó, khi thị trường biến động, nghề nuôi tôm hùm cũng chông chênh vì những mùa tôm thất thu do dịch bệnh và giá bán quá thấp, tôm giống đầu vào giá cao, người nuôi vẫn thua lỗ.
Trước những khó khăn trên, UBND xã đã kiến nghị tỉnh và thành phố: giúp tìm nơi tiêu thụ sản phẩm; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho người dân vay vốn mức cao hơn. Đây cũng là yêu cầu và nguyện vọng mấy năm nay của người nuôi tôm Nhơn Hải. Ông Thệ mong muốn, để nghề nuôi tôm hùm thương phẩm ở địa phương phát triển bền vững, ngoài việc quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi, phòng trừ dịch bệnh, Nhà nước cần hỗ trợ ngư dân về vốn vay và đặc biệt là định hướng, tạo các thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm…