Xiệp là một ngư cụ cổ truyền được làm bằng 2 cây tre dài (hoặc tầm vông, hoặc trúc to). Hai cây tre dài và thẳng được kết hợp lại thành một cái gọng hình chữ V, gọi là gọng tre. Trên gọng tre người ta mắc một tấm lưới dầy giống như hình chiếc dù. Khi đẩy tới, tôm cá sẽ lọt vào lưới mà không thoát ra được.
Đẩy xiệp bắt cá tuy đơn giản là vậy, nhưng người sử dụng nó khá vất vả. Từ xa nhìn những người đẩy xiệp lúc giơ gọng lên cao, lúc hạ xuống thấp giống như một cánh buồm căng gió, chúng ta tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng kỳ thực rất nặng vì hai cây tre quá dài, người yếu sức không thể thao tác nổi.
Dân đẩy xiệp kéo ra bải biển Nhà Mát – Bạc Liêu (ảnh: Phúc Lộc).
Khi đẩy người ta phải dùng sức đưa xiệp lướt về phía trước. Cứ một lúc là lại nâng xiệp lên khỏi mặt nước để thăm dò kết quả, nếu có “chiến lợi phẩm” thì cho vào giỏ và cứ thế mà tiếp tục. Lúc lên bờ, một anh trong nhóm đẩy xiệp nói với tôi như than: “Mấy năm trước cá tôm còn nhiều mỗi ngày, tụi tui kiếm năm sáu trăm ngàn, còn bây giờ thì giỏi lắm cũng độ ba trăm”.
Dân xiệp thường chọn con nước ròng sát mé để đi đẩy, do đó có khi họ phải ra biển từ lúc còn tinh mơ, cũng có khi vào buổi trưa hoặc chiều tối. Mỗi người đi xiệp chỉ mang theo một cái gọng xiệp, một chiếc giỏ lớn đựng cá và một bình nước đủ cho vài giờ lao động.
Ngư dân đang đẩy xiệp bắt cá (ảnh: Đỗ Hiếu Liêm/VnExpress)
Sau một buổi lao động vất vả ngoài khơi, người đẩy xiệp quay vào bờ (ảnh: Phúc Lộc).
Sau khi quay vào bờ dân đẩy xiệp bán ngay hải sản cho bạn hàng tại khu du lịch Nhà Mát - Bạc Liêu (ảnh: Phúc Lộc).
Tại bãi biển Xiêm Cán, bãi biển Nhà Mát và các khu vực phòng hộ ven biển Bạc Liêu hầu như sáng nào cũng có hàng trăm ngư dân, đa phần là thanh niên có sức khỏe cường tráng kéo nhau ra biển căng xiệp, vươn xiệp và đẩy xiệp cho đến khi thủy triều lên cao mới quay về. Thông thường mỗi chuyến đi đẩy xiệp bắt cá như vậy mất khoảng vài ba tiếng đồng hồ. Bình quân một người đẩy giỏi cũng chỉ kiềm năm ba ký, phần lớn là cá, cua, tôm loại nhỏ và một số hải sản khác không đáng kể.
Sau những giờ ngâm mình dưới nước, những người đi xiệp mang cá lên bờ bán ngay tại chỗ cho khách du lịch hoặc bán cho bạn hàng mua đi bán lại. Mặc dù cuộc sống khó khăn, đi biển vô vàn vất vả nhưng hình như đối với họ đây là một cái nghiệp nên mỗi lần vác xiệp xuống biển họ đều mang theo những nụ cuời và gởi trọn niềm tin cho trời biển bao la.