Dân Việt

Sản xuất trái cây rải vụ, nhà nông thu “bộn tiền”

Thuận Hải 26/11/2015 13:13 GMT+7
Xuất khẩu một số loại trái cây như nhãn, vải, chôm chôm, sầu riêng, xoài… tăng trưởng mạnh trong 10 tháng đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu trái cây năm nay có thể đạt 2 tỷ USD. Kết quả này có sự đóng góp của không nhỏ của việc nhiều địa phương đã áp dụng kỹ thuật sản xuất trái cây rải vụ.

Bội thu nhãn, sầu riêng...

TS Lương Ngọc Trung Lập – Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết, sau khi được Mỹ mở cửa thị trường, giá trái nhãn Edor của Việt Nam đã tăng lên rất cao trong năm 2015. Hiện tại, giá thu mua tại vườn của nhãn Edor ở mức 23.500 đồng/kg, trước đó có thời điểm đạt tới 48.000 đồng/kg.

img

Bà Bùi Thị Ba (ngụ xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) bên vườn ổi ra trái quanh năm. Ảnh: T.H

Ông Lập cũng cho biết, 8 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nhãn của Việt Nam đạt 44,8 triệu USD, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2014. Riêng thị trường Mỹ, Việt Nam xuất khẩu lô nhãn tươi đầu tiên với trọng lượng 2,6 tấn từ tháng 12. 2014. Đến cuối tháng 7.2015, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ 56 lô nhãn với số lượng khoảng 280 tấn. Nhãn tươi Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có mức giá từ 4,4 – 8,8USD/kg, tùy điều kiện vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường biển.

Trái sầu riêng năm nay cũng xuất khẩu được với khối lượng lớn, do nhu cầu của thị trường chính là Trung Quốc tăng mạnh. Trước đó, Trung Quốc nhập số lượng lớn sầu riêng giá rẻ từ Thái Lan, tuy nhiên sang năm 2015, Thái Lan chuyển sang đầu tư xuất khẩu sầu riêng chất lượng cao nên lượng xuất sang Trung Quốc giảm mạnh. “Trung Quốc trước đó vốn đã là thị trường chính của sầu riêng Việt Nam, sau khi Thái Lan giảm xuất khẩu vào thị trường này thì lượng xuất khẩu của Việt Nam càng tăng lên. Hiện tại, nhiều thương lái Trung Quốc về tận nhà vườn các tỉnh ĐBSCL để đặt hàng” - ông Lập cho hay.

Giá thu mua sầu riêng tại các tỉnh ĐBSCL do đó từ đầu năm đến nay cũng ổn định ở mức khá cao so với những năm trước. Trong tháng 11, giá sầu riêng Ri6 đạt 58.000 đồng/kg, sầu riêng Mongthong có giá 55.000 – 56.000 đồng/kg.

Trái ngọt từ rải vụ

Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, 10 tháng qua, xuất khẩu rau quả cả nước đạt hơn 1,53 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước. Vinafruit dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2015 có thể đạt mức 2 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, từ năm 2014, ngành nông nghiệp đã thành lập nhóm chỉ đạo sản xuất trái cây rải vụ 5 loại cây ăn trái chính của các tỉnh phía Nam (gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn), và đã triển khai kế hoạch, diện tích, lịch rải vụ đối với từng địa phương. Nhờ đó, các tỉnh có sự phối hợp “ăn ý” trong việc chuyển đổi thời vụ, một số loại như sầu riêng, nhãn, xoài… có thể cho trái quanh năm.

Ông Dư nêu ví dụ, chôm chôm Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước, tuy nhiên những năm qua phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác. Sau khi sử dụng biện pháp đậy mũ để xử lý ra hoa nghịch vụ, cho thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, trái chôm chôm Việt Nam được bán với giá cao gấp 3 – 4 lần so với chính vụ. Cũng nhờ vụ nghịch, xuất khẩu chôm chôm vào Mỹ nhiều thuận lợi, giá tăng do các nước khác không có thu hoạch.

Ông Mai Kiều – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, theo quy hoạch của Bộ NNPTNT, tới năm 2020, tổng diện tích thanh long khoảng 24.800ha, tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Tuy nhiên, đến nay diện tích thanh long đã đạt trên 37.000ha và xuất hiện ở cả các tỉnh Nam Bộ như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ… Do đó, việc sản xuất trái cây rải vụ là rất cần thiết đối với thanh long, hạn chế tình trạng “dội chợ” khi vào mùa.

  TS Lương Ngọc Trung Lập cho biết: “Việc sử dụng nhiều hóa chất kích thích khi xử lý cây ra hoa nghịch vụ dễ dẫn tới tình trạng tồn dư hóa chất trên trái cây, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Mới đây, trái xoài cát chu của Việt Nam bị phàn nàn rằng có tồn dư thuốc BVTV...”.