Hẳn ở miền đất nào cũng có những loại cây trái đặc sắc riêng. Những vật phẩm đó chứa đựng hương vị đặc sắc kết tinh từ chất đất, nắng, gió, khí trời và mồ hôi nước mắt của những người nông dân. Chỉ có điều, từ giống cây quý đó, để nhen nhóm lên thành mặt hàng chiến lược, phát triển đại trà mà vẫn giữ được hương vị thì lại không đơn giản.
Cách đây khá lâu, khi con đường Quốc lộ 6 mới đi qua địa giới huyện Kì Sơn, tỉnh Hòa Bình, du khách đã có thể biết tới những trái cam Cao Phong mà người dân ở khu vực này bày bán.
(Ảnh: Nghiêm Liên)
Sau khi huyện Cao Phong (tách ra từ huyện Kì Sơn) được thành lập, cùng với định hướng chiến lược thống nhất từ cấp tỉnh đến huyện, xã, cùng với sự hăng hái, năng động của người dân, cam Cao Phong đã không còn là chuyện của những mẹt, những rổ, mà đã thành kỳ tích của những đồi cam, vườn cam trong nắng mới. Những tỉ phú cam chân đất ra đời bằng kinh tế vườn bền vững. Du khách gần xa bắt đầu có thêm một cái tên địa danh Cao Phong trong những điểm ghé chân, trái cam lòng vàng xuất hiện trên bàn ăn của mỗi gia đình.
Tôi còn nhớ, mỗi lần ghé thăm mảnh đất Cao Phong ấy lại nhận ra bao điều thú vị. Men theo những con đường bê tông nhỏ dẫn lối đi qua các khu đồi, vườn là bạt ngạt những cây cam xanh tốt. Dường như ai cũng mải mê, bận rộn với vườn tược, thi thoảng mới bắt gặp một người nông dân trở phân bón hay vật dụng cho canh tác.
Mùa cam đến, những trái cam Cao Phong tươi ngon được bán tại vườn, người nông dân lấm lem trong bộ quần áo bảo hộ, vành nón che ánh nắng nhưng vẫn không giấu nụ cười rạng rỡ của cuộc sống ấm no.
Người ở vùng này gặp nhau chỉ nói chuyện cam. Những trái cam bình dị ăn mãi không chán, đúng với tên gọi đất của cam, trái ngọt, tình người. Một kỳ lễ hội cam Cao Phong ấm áp giữa mùa đông trên đất Mường Thàng xưa.