Bỗng dưng bị truy thuế
Cái tên thương mại Anhydrous MilkFat hay Anhydrous ButterFat có thành phần cấu tạo giống nhau, được gọi là dầu bơ khan hoặc chất béo khan từ sữa. Từ chục năm nay, nó được gắn cho mã số hồ sơ 0405.90.10, với thuế suất nhập khẩu 5%, nhưng mới đây đã bị “thay tên đổi tuổi” khiến cho mọi chuyện trở nên rối bời.
Ngày 20/11/2015, Tổng cục Hải quan phát đi thông báo do ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục ký, đã tách riêng “đứa con chung” Anhydrous MilkFat hay Anhydrous ButterFat ra thành hai mã hồ sơ khác nhau: Anhydrous MilkFat có mã số 0405.90.90 còn Anhydrous ButterFat được gắn mã 0405.90.10. Tréo ngoe hơn, Anhydrous MilkFat gắn mã số mới 0405.90.90 bị chịu thuế suất nhập khẩu 15%, không còn 5% như trước đây. “Buồn hơn là họ vừa ra thông báo điều chỉnh vừa đồng thời yêu cầu truy thuế của các Cty của chúng tôi từ năm 2010 đến nay”- bà Nguyễn Thị Hoan- Trưởng Bộ phận cung ứng, Cty Cổ phần Đại Tân Việt cho hay.
Từ thuế nhập khẩu 5%, nay Anhydrous MilkFat bị thay đổi mã số và chịu thuế suất lên 15% khiến các doanh nghiệp bức xúc.
Lý do để cho ra đời hai mã số này, theo đại diện Cty sữa Việt Nam Vinamilk, phía Tổng cục Hải quan cho rằng “mặt hàng Anhydrous MilkFat theo quy trình của nhà sản xuất đi từ nguyên liệu thô, tươi, không được phép bổ sung phụ gia thuộc nhóm “Bơ và các chất béo và các loại dầu khác tách từ sữa; chất phết bơ từ bò sữa”, mã số 0405.90.90. Trong khi đó, Anhydrous ButterFat theo quy trình của nhà sản xuất đi từ kem hay bơ có độ tuổi khác nhau, có thể được sử dụng phụ gia trong quá trình sản xuất thì thuộc mã số 0405.90.10 “chất béo khan bơ”. Lý do này đưa ra đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ các Cty nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất như: Vinamilk, Cty CP Sữa Hà Nội, Nutifood, FrieslandCampina Việt Nam, Cty Cổ phần Đại Tân Việt, Cty CP TM và Công nghệ Thực phẩm Hoàng Lâm...
“Cơ quan hải quan sử dụng một thông báo có hiệu lực mới đây để hồi tố truy thu các tờ khai nhập khẩu từ năm 2010 đến hiện tại là việc truy thu thuế “mang tính áp đặt và không có căn cứ”- công văn gửi Thủ tướng của 8 Cty sữa, nêu.
Trong đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Chính phủ, 8 doanh nghiệp “đại gia” nhập khẩu, sản xuất sữa trong và ngoài nước cho rằng, ước tính tổng số tiền truy thu thuế “không căn cứ” này buộc họ phải đóng hơn 1.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trước đó vào ngày 11/8/2015, ông Phan Chí Dũng- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương trong công văn gửi Tổng cục Hải quan nêu rõ, Anhydrous MilkFat hay Anhydrous ButterFat có thành phần giống nhau, vì vậy hai sản phẩm này đồng nhất về bản chất chỉ khác nhau về quy trình sản xuất.
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trong công văn gửi Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cũng nêu rõ: “Các tài liệu quốc tế, cũng như tiêu chuẩn Codex quốc tế và Tiêu chuẩn quốc tế FIL thì Anhydrous MilkFat hay Anhydrous ButterFat đều có chung mã số 0405.90.10” và “hai sản phẩm này có thành phần cấu tạo giống nhau”.
Thông báo kết quả giám định ngày 2/6/2015 của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xác định mặt hàng Anhydrous MilkFat với mã số đối chiếu theo biểu thuế là 0405.90.10.
Đơn kêu cứu của 8 “đại gia” ngành sữa Việt Nam về việc Tổng cục Hải quan truy thu thuế mà họ cho “sai luật”. Ảnh: L.N.
Kiến nghị không truy thu thuế bổ sung
Các “đại gia” ngành sữa trong đơn cầu cứu gửi Thủ tướng cho rằng, từ năm 2000 ngoài việc khai báo, cơ quan Hải quan trên toàn quốc đã lấy mẫu hàng hóa, gửi đi phân tích phân loại tại các Trung tâm phân tích trong ngành Hải quan và gửi đi phân tích tại các cơ quan chuyên môn ngoài ngành để xác định chính xác về bản chất, thành phần cấu tạo… Từ đó các cơ quan Hải quan làm căn cứ xác định mã số hàng hóa 0405.90.10. nhiều năm nay.
“Hàng loạt kết quả phân tích phân loại hàng hóa được thực hiện tại Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu - Chi nhánh TPHCM từ gần chục năm qua do ông Cao Xuân Quảng, Phó Chi nhánh này ký đều khẳng định Anhydrous MilkFat - dầu khan bơ có mã số thuế 0405.90.10. Nhưng nay vì muốn truy thu thuế họ đã “phá luật”” - một “đại gia” ngành sữa trong nước, nói.
Trước những bức xúc của doanh nghiệp, ngày 27/11, ông Robbie Taylor - Phó Đại sứ New Zealand tại Việt Nam đã có công văn khẩn gửi bà Lò Thị Nhu - Cục trưởng Cục Thuế xuất - nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan mong nơi này giải quyết các vấn đề liên quan đến việc các nhà nhập khẩu sản phẩm từ sữa có tên thương mại Anhydrous MilkFat từ New Zealand về Việt Nam.
Theo ông Robbie Taylor, New Zealand cho rằng sản phẩm này phải được phân loại theo mã 0405.90.10 bởi điều này căn cứ theo khoa học và theo Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế mà Việt Nam và New Zealand đã cam kết. “Tôi đề nghị bà xem lại chỉ thị của Tổng cục Hải quan đồng thời hủy bỏ yêu cầu truy thu thuế” - Phó Đại sứ New Zealand nói và đề nghị sẽ thảo luận trực tiếp vấn đề này với Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính.
Để tránh ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, không vi phạm các cam kết của Chính phủ với các Hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia cũng như “chặn” tăng giá thành sản phẩm đối với sản phẩm sữa, khi đây là nguyên liệu sản xuất chính ác doanh nghiệp sữa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Hải quan thu hồi các thông báo yêu cầu nộp bổ sung thuế đối với các mặt hàng trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh.
Chiều 1/12, trao đổi với PV, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), ông Dương Phú Đông cho biết, hiện đơn vị chưa nhận được văn bản khiếu kiện của các doanh nghiệp sữa, nhưng Cục đang xem để xử lý kịp thời. Quan điểm của Cục là, nếu mặt hàng đúng chất béo sữa, chúng tôi sẽ chỉ đạo hải quan các địa phương kiểm tra sau thông quan để ấn định truy thu. “Nếu doanh nghiệp không thống nhất, có quyền khiếu kiện, khiếu nại theo quy định pháp luật”, ông Đông nói. Tuấn Đức |