Ông Nguyễn Văn Đồng |
Ông Đồng cho biết, nguyên nhân giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng gần đây do nguồn cung gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, nhất là các tỉnh miền Trung - nguồn cung cấp chính lợn và trâu bò cho thị trường Hà Nội. Giá thức ăn chăn nuôi, chi phí vận chuyển cao cũng góp phần đẩy giá các mặt hàng thực phẩm liên quan tăng thêm.
Nhưng trước đó, nhiều bộ, ngành nhận định nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt sẽ giảm khi thời tiết nắng nóng do đó giá sẽ giảm, thưa ông?
- Hàng năm vào các tháng mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ đối với các loại thịt thường giảm từ 5 - 7% nên giá bán thường khó tăng. Nhưng thời gian qua chỉ riêng trên địa bàn thủ đô giá thịt lợn đã tăng tương đương mức 3 – 7%.
Nguyên nhân là tại một số địa phương lân cận Hà Nội, trong đó có Quảng Ninh có hiện tượng thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản, do nước này hiện đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, giá lương thực, thực phẩm trở nên đắt đỏ.
Tình hình này đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số nơi khiến cho giá bán của một số thực phẩm trên thị trường bị đẩy lên. Một số địa phương vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, nên có những chỗ đàn lợn rất nhiều nhưng không vận chuyển đi tiêu thụ, dẫn tới hiện tượng thiếu nguồn cung tạm thời trên thị trường.
Các cơ quan chức năng sẽ làm gì để có thể bình ổn được giá các mặt hàng thực phẩm tới đây, thưa ông?
- Hiện nay, Hà Nội đã triển khai sớm phương án ứng vốn không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá, do đó kìm hãm đà tăng giá mạnh của hàng hóa. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu của chương trình bình ổn giá chiếm được khoảng 20% nhu cầu thị trường đã và đang có tác động giải tỏa kéo mặt bằng giá thị trường chung không tăng quá cao.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện)