Dân Việt

Nuôi trồng đông trùng hạ thảo - tưởng khó mà "dễ ợt"

Hùng Phiên (Trang Trại Việt) 26/12/2015 17:30 GMT+7
Không còn khép kín, “đặc quyền” như trước, hiện nay kỹ thuật nuôi trồng đông trùng hạ thảo (ĐTHT) bắt đầu được mời chào rộng rãi, hứa hẹn mở ra hướng làm kinh tế mới cho nông dân.

Những năm trước, một số chuyên gia ở Việt Nam đã được công nhận nuôi trồng thành công ĐTHT, thế nhưng suốt thời gian dài, quy trình tạo ra sản phẩm nấm cao cấp này đều được “giấu kỹ” để độc quyền sản xuất. Đến đầu tháng 10.2015, tại Phú Yên, kỹ sư trẻ Ngô Kim Lai - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Kim Lai (TP.Hồ Chí Minh) đã công bố chi tiết quy trình trên. Chẳng những thế, anh còn tận tình “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn người dân nuôi trồng ĐTHT tại hộ gia đình với mong muốn “biến Phú Yên thành vựa đông trùng hạ thảo”.

Vốn chỉ cần 10 triệu đồng  

img

Ngô Kim Lai (bìa phải) đang cùng cộng sự trình diễn quy trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo.

Tại hội thảo khoa học “Công bố công trình nuôi trồng chủng ĐTHT thứ 2 ở Việt Nam (Isaria Penuipes) và trình diễn công nghệ nuôi ở hộ gia đình” do Liên hiệp các Hội KHKT Phú Yên phối hợp tổ chức, kỹ sư trẻ Ngô Kim Lai đã đưa ra một số quy trình nuôi ĐTHT dựa trên những điều kiện cơ sở vật chất khác nhau. Bà con nông dân và nhiều người khác đã nhanh chóng bị “chinh phục” trước quy trình kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả, ít tốn kém, phù hợp với điều kiện hộ gia đình.

Theo kỹ sư Lai, những thành phần cần thiết để nuôi trồng ĐTHT gồm gạo lứt, hyđrô perôxít (oxy già, nồng độ 3%), vitamin B6, dấm ăn (nồng độ 4,5%), cồn 700C, nước, đường gluocose (chiếm 0,5% môi trường nuôi nấm) và một số nguyên vật liệu như giống nấm, đèn cồn, que cấy, cân nhỏ, nồi cơm điện. Lai đã cùng cộng sự trình diễn tường tận các bước tiến hành nuôi trồng ĐTHT quy mô nhỏ một cách “dễ ợt”. Đó là lấy 935ml nước uống thông thường vào một thau sạch đã tráng nước sôi, sau đó lần lượt cho 50ml dấm ăn, 10ml oxy già, một viên vitamin B6 (loại 150mg), 5gr đường khuấy đều và cho tất cả vào nồi gạo. Đợi khoảng 15 phút thì nấu hỗn hợp ở 1000C bằng nồi cơm điện thông thường, rồi tiến hành cấy giống.

img

Ngô Kim Lai đang trò chuyện với một người Phú Yên có ý định nuôi trồng đông trùng hạ thảo

Trong suốt quá trình cấy, đèn cồn luôn được thắp sáng để tiệt trùng các dụng cụ sử dụng. Lấy que cấy gắp giống trong ống nghiệm cho vào môi trường hỗn hợp cơm gạo lứt, rồi đậy nắp hộp lại. Hộp này sẽ phải đặt vào bóng tối với nhiệt độ dưới 250C trong 1 tuần. Khi kiểm tra thấy tơ đã lan đều ra gạo lứt thì đưa hộp nhựa ra ánh sáng, giữ nguyên nhiệt độ và tiến hành phun hơi ẩm cho ĐTHT. Sau 65 - 70 ngày, ĐTHT sẽ cho thu hoạch. Kỹ sư Lai cho biết, nếu trồng ĐTHT quy mô hộ gia đình, vốn chỉ cần khoảng 10 triệu đồng là có thể bắt tay vào làm.

Chuyển giao rộng rãi công nghệ quý

Trao đổi với PV, kỹ sư Ngô Kim Lai cho hay, quy trình trồng ĐTHT đang có giá chuyển giao khá cao trên thị trường. Tuy nhiên anh vẫn quyết định công bố rộng rãi. Lai tâm sự: “Tôi đã giữ quy trình này trong một thời gian đủ lâu để phát triển thành nhiều sản phẩm. Công sức bỏ ra coi như đã thu được kết quả nên tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó cho vùng đất Phú Yên, nơi mình sinh ra” (Lai sinh năm 1991 tại xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên - PV).

img

Chủng đông trùng hạ thảo Isaria Penuipes do Kim Lai vừa nuôi trồng thành công.

Theo Lai, trước mắt anh sẽ hướng dẫn kỹ thuật nuôi để người dân có thể tự nuôi trồng thành công ĐTHT phục vụ cho sức khỏe gia đình, bởi đặc dược này đang có giá bán khá cao, khoảng 150 triệu đồng/kg nên người thu nhập trung bình khó với tới. Bên cạnh đó, Lai cũng bày tỏ ý định ký kết với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh để chuyển giao công nghệ nuôi trồng ĐTHT. “Tôi luôn mơ ước sẽ có nhiều người tham gia vào dự án này và tương lai không xa, Phú Yên sẽ trở thành vựa ĐTHT của cả nước” - Lai nói.

Hiện tại, công ty của Lai có thể cung cấp giống nấm với giá chỉ từ 500.000 - 1 triệu đồng/ống giống, đồng thời sẽ ký kết bao tiêu sản phẩm nếu người sản xuất ĐTHT sử dụng công nghệ nuôi trồng do đơn vị cung cấp. Bên cạnh đó, chuyên gia của công ty cũng sẵn sàng tư vấn nếu quá trình nuôi trồng của người dân gặp vướng mắc.

Ông Nguyễn Văn Trị, nông dân giỏi huyện Tây Hòa (Phú Yên) tỏ ra rất ấn tượng khi tận mắt thấy kỹ thuật trồng ĐTHT đơn giản của kỹ sư Lai. “Trước đây, tôi luôn nghĩ việc trồng ĐTHT là quá xa vời. Thế nhưng nhờ được kỹ sư Lai giới thiệu chi tiết, tôi nghĩ mình có khả năng bắt tay trồng được. Thực tình, tôi không ảo tưởng sẽ dễ dàng sản xuất ĐTHT, nhưng tôi rất mê mô hình này và sẽ tiếp cận với công ty Kim Lai để mua giống về trồng, hy vọng sẽ mở ra hướng làm ăn mới” - ông Trị nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Dũng - nguyên Giám đốc Sở KHCN Phú Yên, ý tưởng đưa việc sản xuất ĐTHT đến hộ gia đình không dễ thực hiện, bởi không phải ai cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi trồng, do đó sản phẩm thu được sẽ có chất lượng không đồng đều hoặc không đạt tiêu chuẩn. “Trước mắt, một số đơn vị có chuyên môn của tỉnh có thể đứng ra liên kết với Công ty TNHH Quốc tế Kim Lai, thì khả năng nuôi trồng ĐTHT mới dễ đạt hiệu quả như mong muốn” – ông Dũng nói.

“Dự án chuyển giao quy trình nuôi trồng ĐTHT của Kim Lai rất triển vọng, có thể mở ra một hướng làm nông nghiệp kỹ thuật cao cho người dân địa phương. Sắp tới đây, các cơ quan chuyên môn của tỉnh sẽ tiến hành bàn thảo cụ thể cơ chế liên kết với Kim Lai để dự án triển khai thành công” – ông Trần Quang Nhất - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.