Dân Việt

Nhiều đơn vị giảm giá ảo trong ngày hội mua sắm trực tuyến?

Ngọc Lan 04/12/2015 13:54 GMT+7
Trên trang web mua sắm trực tuyến 2015 (Online Friday), sau khi giảm giá 20%, chiếc bếp điện từ Grasso còn 27.90.000 đồng nhưng vẫn đắt gần 2 lần so với giá thị trường.

Mới diễn ra vào sáng nay 4/12, hệ thống bán hàng trực tuyến Online Friday (Ngày mưa sắm trực tuyến 2015) đã thu hút hơn 560.000 lượng truy cập, 36 triệu lượt xem sản phẩm. Song, nhiều người tỏ ra khó hiểu khi nhiều sản phẩm sau khi đã giảm giá vẫn đắt hơn, thậm chí gấp 2 lần so với giá bán trên thị trường. 

Đơn cử nhưng chiếc Bếp điện từ Grasso GS 1-406 có giá niêm yết là 34.880.000 đồng, giảm 20% còn 27.904.000 đồng. Song, ngay kế bên, tại ô giá thị trường chỉ có 16.000.000 đồng.

Hay như một chiếc pin dự phòng OPPO 50.000 MAH được treo giá niêm yết 700.000 đồng, sau giảm 55% là 319.000 đồng, lại bằng với giá trên thị trường.

img

Sau khi giảm giá 20%, chiếc bếp điện từ Grasso còn 27.90.000 đồng nhưng vẫn đắt gần gấp đôi so với giá thị trường. Ảnh chụp màn hình. 

Một đơn vị bán sản phẩm đồ gia dụng, địa chỉ Hoàng Quốc Việt (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bán chiếc bếp từ bốn FAGOR  IF4AX giá niêm yết là 43.800.000 đồng, giảm 25% còn 26.000.000 đồng. Nhưng giá thị trường trên kênh mua sắm trực tuyến là 24.36.000 đồng, thấp hơn gần 2 triệu đồng.

Lý giải về mức chênh này, đại diện doanh nghiệp rao bán hàng khuyến mại cho biết, đây là giá đã được niêm yết của hãng năm 2015-2016. Muốn biết chính xác, khách hàng có thể tra cứu tại trang web hoặc gọi điện trực tiếp đến hãng sản phẩm.

Anh này cho biết, chương trình giảm giá 25% là thực tế, không phải ảo. Bởi con số thể hiện trên ô giá thị trường có thể ban tổ chức đã lấy mức giá trung bình mà sản phẩm đang được bán trên thị trường. Trong khi đó, rất có thể có nhiều đơn vị đang giảm giá sâu ở mức 50% trong dịp đặc biệt như khai trương cửa hàng.

Trong ngày Online Friday 2014, một ngày có hơn 160.000 đơn hàng, tổng giá trị đạt hơn 150 tỷ nhưng chỉ có 3% thanh toán trực tuyến. 

Dự báo của ban tổ chức, trong năm nay, lượng khách thanh toán qua thẻ sẽ tăng lên. 

Nếu người tiêu dùng cảm thấy sản phẩm này có vấn đề (chất lượng, giá, thông số...) họ có thể phản ánh ngay phía dưới ô “Phản ánh sản phẩm”. Thông thường, cứ một sản phẩm bị phản ánh xấu 5 lần sẽ tự động bị rút khỏi hệ thống. Vì vậy, nếu đơn vị kinh doanh nào lừa dối khách hàng, tự tăng giá sản phẩm lên thì người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận ra. 

"Song, ban tổ chức vẫn có cơ chế bảo vệ doanh nghiệp. Các đơn vị tham gia chương trình có thể phản hồi lại với ban tổ chức. Trong trường hợp doanh nghiệp bị 'chơi xấu' hoặc có nhiều người tiêu dùng phản ánh chưa chính xác, ban tổ chức sẽ phục hồi lại trong hệ thống", anh này cho hay.

Qua chương trình ngày hội mua sắm trực tuyến, ban tổ chức cũng muốn cộng đồng vào cuộc, cùng ban tổ chức đánh giá uy tín của từng doanh nghiệp. Việc này sẽ hạn chế được tình trạng làm khuyến mại ảo đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. 

Chương trình mua sắm trực tuyến Online Friday được Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VACITA) phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014. 

Theo đó, chương trình sẽ được thực hiện vào thứ sáu đầu tiên của tháng 12 với nhiều chương trình giảm giá sâu, dao động 10-50%. Khách hàng sẽ mua sắm trực tuyến trên website của doanh nghiệp.

Theo đánh giá từ ban tổ chức, năm nay, trong thời gian mở cửa, lượng truy cập, số lượng thông tin, doanh nghiệp tham gia tăng gấp 4 lần so năm trước. Ban tổ chức cho biết, Online Friday năm nay sẽ hướng đến hỗ trợ người tiêu dùng làm quen với hình thức mua, đặt hàng và thanh toán qua thẻ. 

Trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, khuyến mại ở Việt Nam hiện nay chưa bài bản và có nhiều khuyến mại giả.

Tính chuyên nghiệp, trung thực và tạo niềm tin cho khách hàng là quan trọng nhưng Việt Nam chưa làm được. Chưa kể, mỗi đợt khuyến mại, không ít chuyện liên quan đến chất lượng, tính trung thực lại xảy ra như đưa hàng gần hết date, có 1 nói 10, lúc đông khách lại hết hàng.

Tình trạng hàng hóa cần thì không giảm giá lại giảm những món không cần thiết thì giảm 50% nhưng thực tế chỉ được vài sản phẩm. Các mặt hàng khác giảm 1%, thậm chí 0% cũng xảy ra khiến cho một bộ phận người tiêu dùng mất niềm tin. 

Lan Anh