Dân Việt

Độc đáo Cầu Ngói và Nhà thờ đá Phát Diệm

08/07/2011 09:14 GMT+7
Dân Việt - Tuy không nhiều điểm di tích lịch sử, nhưng Kim Sơn đã được nhiều người biết đến bởi hai công trình kiến trúc độc đáo: Cầu Ngói Phát Diệm và Nhà thờ đá Phát Diệm.

Kim Sơn – miền đất bồi tụ của hai cửa sông lớn là sông Càn và sông Đáy ra đời từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt năm Kỷ Tỵ - 1809, gắn với công lao của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.

Huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có mặt trên bản đồ Việt Nam từ năm1829. Tuy không nhiều điểm di tích lịch sử, nhưng Kim Sơn được nhiều người biết đến bởi hai công trình kiến trúc độc đáo: Cầu Ngói Phát Diệm và Nhà thờ đá Phát Diệm.

>> Êm đềm Cầu Ngói, rạng rỡ Thánh đường

Cây cầu “3 nhịp-12 gian”

img
 

Cầu Ngói Phát Diệm bắc qua sông Ân ở thị trấn Phát Diệm là cây cầu dạng cầu vồng độc đáo, một công trình kiến trúc dân gian đặc sắc ở vùng công giáo Kim Sơn.

Cầu có 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian. Chiều dài cầu 36 m và chiều rộng 3 m. Hai bên thân cầu có hai dãy lan can và cột đều bằng gỗ lim. Trên cầu là mái che cầu phong li tô, lợp ngói đỏ cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lối đi hai đầu cầu có các bậc tam cấp.

Vừa có chức năng giao thông, lại vừa là điểm dừng chân tránh mưa nắng, nơi hò hẹn lứa đôi… Cầu Ngói Phát Diệm bao đời nay có một vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa cư dân vùng đất mở Kim Sơn.

Ở Việt Nam hiện chỉ có 3 cầu ở dạng này được nhiều du khách biết đến. Đó là: Cầu Ngói Phát Diệm (Ninh Bình), Chùa Cầu ở sông Hoài-Hội An (Quảng Nam) và Cầu Ngói Thanh Toàn ở Hương Thủy (Thừa Thiên Huế).

Công trình Công giáo kiểu Á Đông

img
Hành lang bên Nhà thờ Lớn

Kim Sơn mang đặc trưng của một xứ Đạo với rất nhiều nhà thờ công giáo. Nhà thờ đá Phát Diệm là một tổ hợp các nhà thờ với lối kiến trúc độc đáo, hấp dẫn đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1998 và là một điểm đến quan trọng trong các tour du lịch Ninh Bình hiện nay.

Nhà thờ đá Phát Diệm có sự kết hợp hài hoà hai nền nghệ thuật Âu Châu và Á Đông. Nét độc đáo ở đây là, các công trình của Công giáo đã được “Việt hóa” theo lối kiến trúc đình chùa truyền thống của nước ta. Quần thể kiến trúc này được sáng tạo bởi Linh mục Phêrô Trần Lục (1825-1899).

Khu Nhà thờ được xây dựng chủ yếu bằng đá kết hợp với gỗ trong một thời gian dài, từ năm 1875 đến 1899 (24 năm). Diện tích toàn khu rộng gần 30.000 m² với 11 hạng mục công trình được xây cất, bố trí hợp lý, tạo nên cảnh quan trang nghiêm và đẹp mắt.

Các hạng mục bao gồm: Ao hồ, Phương đình, Nhà thờ lớn, 4 nhà thờ nhỏ, Nhà thờ đá và 3 hang đá nhân tạo. Điểm nhấn trong quần thể chính là nhà thờ Trái tim Đức Mẹ, quen gọi Nhà thờ đá, được xây dựng hoàn toàn bằng đá, từ nền, tường, chấn song, cột, xà, đến các bức phù điêu…

Chính lối kiến trúc có một không hai trên thế giới này mà từ trước đến nay, người ta lấy tên Nhà thờ đá để gọi chung cho cả khu nhà thờ xứ Phát Diệm.