Dân Việt

"Vung tay quá trán" đe dọa an ninh tài chính

Dũng Nguyễn 07/12/2015 07:41 GMT+7
“Nếu quản lý không chặt, tình trạng chi vượt dự toán diễn ra liên tục, phổ biến của các cấp, các ngành có nguy cơ dẫn tới nợ công vượt mức trần cho phép, gây mất an ninh tài chính quốc gia”.

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cảnh báo trước tình trạng tại tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau quá tay chi tiêu làm thâm hụt ngân sách vừa qua.

Nguy cơ nợ công vượt mức trần

Thời điểm trước, sau khi chuyển giao nhiệm kỳ mới, một số địa phương, lâm vào cảnh nợ nần, hết tiền hoạt động. Phải chăng đây là hệ quả tất yếu của việc chi tiêu kiểu “vung tay quá trán”, thưa ông?

img

Khuyếch trương lễ hội được cho là một trong những bệnh “vung tay quá trán”. Trong ảnh: Lễ hội Yên Tử. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thời gian qua có thành phố Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau xảy ra tình trạng khó khăn về ngân sách, việc bố trí ngân sách đến cuối năm, nợ xây dựng cơ bản rất khó khăn. Trước tiên, cần phải xem nguyên nhân cụ thể xuất phát từ đâu, nếu do dự toán không sát thực tiễn thì phải rút kinh nghiệm ngay. Nếu trong quá trình điều hành ngân sách có những vấn đề đột xuất phát sinh, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước thì có thể chi, nhưng địa phương phải tính toán nguồn bổ sung.

Qua giám sát ở địa phương cho thấy, tình trạng nợ ngân sách địa phương tương đối phổ biến, nhiều địa phương có mức nợ cao. Đơn cử chương trình xây dựng nông thôn mới, có xã đã nợ từ 3 - 10 tỷ đồng, thậm chí có nơi nợ tới vài chục tỷ đồng. Số lượng xã như vậy tương đối nhiều, dẫn đến tổng nợ lớn.

“Nếu cộng cả ngân sách cấp huyện, cấp tỉnh, cũng như ngân sách các bộ ngành, Trung ương thì con số nợ của ngân sách đang ở mức đáng báo động. Tình trạng này cần phải rút kinh nghiệm và có biện pháp kiên quyết xử lý kịp thời ngay”.       

Ông Bùi Đức Thụ

Nếu cộng cấp huyện, cấp tỉnh và các bộ ngành, Trung ương, số nợ ngân sách đang ở mức đáng báo động. Tình trạng này phải rút kinh nghiệm, có biện pháp kiên quyết xử lý kịp thời ngay. Nếu quản lý không chặt, tình trạng chi vượt dự toán liên tục và phổ biến của các cấp, các ngành như hiện nay sẽ dẫn tới nợ công vượt mức trần cho phép, làm mất an ninh tài chính quốc gia.

Để tình trạng hết tiền cho bộ máy hoạt động như vừa dẫn chứng, theo ông trách nhiệm này thuộc về ai và phải xử lý như thế nào?

Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công đều quy định rất rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý điều hành ngân sách Nhà nước. Để quy được trách nhiệm trước tiên phải có cơ quan kiểm tra, cơ quan hành chính cấp trên xác định rõ mức độ đúng sai thế nào, làm rõ nguyên nhân chủ quan khách quan đến đâu để có biện pháp xử lý. Trong trường hợp để xảy ra sai phạm cần phải xử lý nghiêm minh theo đúng quy định, nếu do sơ suất lập dự toán, không lường hết diễn biến thu chi trong năm thì phải rút kinh nghiệm.

Đối với trường hợp nợ xây dựng cơ bản của địa phương, phải làm rõ thời điểm phát sinh nợ. Cuối năm 2011, đầu năm 2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792, yêu cầu khởi công các dự án phải đảm bảo đủ nguồn vốn, khắc phục dàn trải, mất cân đối. Nếu vi phạm xảy ra sau khi có Chỉ thị 1792 và Luật Quản lý nợ công mới đây, phải làm rõ trách nhiệm. Trường hợp nợ trước giai đoạn đó, phải căn cứ vào pháp luật cùng thời điểm để xem xét trách nhiệm.

img

 Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ.

Bùng nổ chi do điều hành không đúng quy định

Một trong những lý do địa phương nêu ra để biện minh việc chi tiêu quá đà, thâm hụt ngân sách là do thu ngân sách không đạt. Ông có bình luận gì?

Nếu thu không được, sao địa phương vẫn  giữ nguyên dự toán chi dẫn đến thâm hụt, nợ ngân sách. Hai đơn vị vừa nêu không chỉ có nợ xây dựng cơ bản mà còn cả nợ từ chi thường xuyên. Theo Luật Ngân sách Nhà nước khi thu ngân sách không đạt, phải điều chỉnh cắt giảm chi tương ứng. Trong điều kiện hiện nay phải cơ cấu lại ngân sách, cắt giảm chi, nhất là những khoản chi tiêu chưa cần thiết, cấp bách.

Nhưng nhiều địa phương lại chi tiêu tùy tiện, dẫn đến thâm hụt ngân sách?

Điều hành không đúng dự toán, không đúng quy định, rõ ràng có trách nhiệm của người đứng đầu. Năm 2015 là năm đặc thù, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, năm chẵn với nhiều lễ hội kỷ niệm ở cấp quốc gia và địa phương…đó cũng là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến tăng chi ngân sách. Điều này cần rút kinh nghiệm trong xây dựng dự toán, quản lý điều hành ngân sách sát thực, tiết kiệm.

Để duy trì hoạt động, nhiều địa phương xin ứng tiền, chẳng hạn như Cà Mau đã xin ứng ngân sách của năm sau 50 tỷ đồng. Ông thấy sao về điều này?

Nếu địa phương đã chi rồi, để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, nhất là nguồn cho con người, như chi tiền lương, kinh phí hoạt động những tháng cuối năm thì có thể phải cho tạm ứng. Nếu không thì toàn bộ cơ quan nhà nước nơi đó không hoạt động nữa, gây cản trở các hoạt động bình thường trong quản lý nhà nước. Còn việc quản lý sử dụng ngân sách làm phát sinh vấn đề này cần phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý.

Theo ông giải pháp nào ngăn ngừa, khắc phục tình trạng chi tiêu quá mức từ các địa phương để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia?

Việc điều hành không đúng quy định làm bùng nổ chi gây nên nợ nần, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.

Việc quản lý điều hành ngân sách phải có trong dự toán, tuân thủ theo đúng quy trình dự toán. Những khoản chi đột xuất phát sinh ngoài dự toán phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được chi. Nếu không thực hiện đúng theo nguyên tắc này là trái với Hiến pháp, pháp luật, phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Đối với chi đầu tư phải thực hiện đúng Luật Đầu tư công, khởi công một dự án mới phải có nguồn tài chính đảm bảo, thực hiện đúng tổng mức đầu tư, không cho phép phát sinh ngoài dự toán. Trong năm 2016, Nghị quyết Quốc hội yêu cầu phải sử dụng ngân sách tập trung ưu tiên số một là trả nợ, thứ hai là bố trí cho các dự án công trình chuyển tiếp cấp bách, phần còn lại mới được xem xét đầu tư dự án mới.

Cảm ơn ông.