Dân Việt

Người nông dân và đám ma không kèn trống

Đức Hoàng 09/12/2015 06:41 GMT+7
Nông dân cũ, chẳng thể nào tạo ra nông thôn mới. Họ sẽ chỉ cắn răng tổ chức đám ma không kèn trống, chứ chẳng có cách nào.

Ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, có một người dân qua đời mà không được chính quyền "tạo điều kiện". Điều kiện ở đây là cho mượn xe tang, kèn trống, phát loa thông báo như đối với những người dân khác tại địa phương. Lý do:  Bà này còn nợ thuế đất nông nghiệp, tiền đóng góp an ninh quốc phòng, ủng hộ đồng bào lũ lụt, quỹ bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, hội xuân... với số tiền 1,7 triệu đồng.

Gia đình bà Lê- người phụ nữ vừa qua đời thuộc đối tượng hộ nghèo. Nhưng theo lập luận của chính quyền, thì những khoản trên cả hộ nghèo cũng phải đóng. Chuyện này không thể trách chính quyền thôn, bởi vì hầu hết những khoản phí họ ban ra với người dân là do một thứ "chỉ tiêu" từ trên áp xuống.

Gia đình bà Lê- người phụ nữ mới qua đời. Ảnh: LĐTĐ

Gia đình bà Lê- người phụ nữ mới qua đời. Ảnh: LĐTĐ

Câu hỏi đặt ra ở đây: Liệu có phải chúng ta đang cố sức xây dựng một "nông thôn mới" một cách duy ý chí ở nhiều nơi cho dù còn đó rất nhiều số phận những người "nông dân cũ", những người nghèo đang không có khả năng gánh các loại phí "văn minh" như là ủng hộ đồng bào bão lụt, khuyến học, hội xuân... hay không?

Cách đây vài ngày, một phóng sự của VTV phản ánh: có nhiều huyện vì quyết tâm xây dựng "Nông thôn mới" mà rơi vào tình trạng nợ nần. Đài truyền hình quốc gia lấy ví dụ huyện Phước Long, Bạc Liêu. Để đạt mục tiêu 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện này hiện đang gánh một số nợ hơn 200 tỷ đồng.

Ông Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long trình bày rằng: "Tỉnh động viên huyện cố gắng làm... rồi xem xét nguồn để cân đối nguồn cho huyện nhưng giờ tỉnh khó khăn, cân đối nguồn cho huyện không được nên dẫn đến nợ như hiện nay".

Cái sự "cố gắng làm" để đạt được mục tiêu "nông thôn mới", cho dù trên thực tế chưa đủ khả năng nội tại, nó cũng rất gần với cái việc "cố gắng thu" của nhiều địa phương, cho dù người dân không đủ khả năng. Khuyến học? Hội xuân? Ủng hộ đồng bào lũ lụt khi họ là hộ nghèo? Toàn những mục tiêu "tân thời".

Không phủ nhận được rằng nhiều chương trình về nông thôn đã thu được kết quả tốt. Người nông dân được cải thiện đời sống. Nhưng không phải là tất cả người dân, tất cả địa phương đều giàu lên, đều trở thành "nông dân mới". Chỉ có những mục tiêu, những khoản phí là chung – không phân biệt là nông dân "mới" hay nông dân "cũ".

Đặt ra những mục tiêu chính trị mới khi mà người dân chưa "mới" trong đời sống, chưa "mới" trong thu nhập, vẫn là những con người lam lũ của người hôm qua thì sự lệch pha ấy có thể tạo ra nhiều bi kịch.

Có một chuyện liên quan đến mục tiêu mới: ở một trong những xã nghèo nhất của huyện nghèo nhất tỉnh Đăk Lăk, chúng tôi nhìn thấy cái máy siêu âm nằm lăn lóc. Trang bị máy siêu âm cho trạm y tế cơ sở, có tốt không? Mục tiêu tốt. Thoạt nhìn sẽ thấy cái máy ấy đẹp đẽ bao nhiêu. Nhưng mục tiêu mới ấy, không liên quan đến những phận người cũ ở đây: đồng bào M'Nông nơi này không có đủ tiền để dùng máy siêu âm cho dù chi phí dùng máy chỉ là 20.000 đồng/lần. Họ không có tiền mua nổi một viên paracetamol, nếu hết thuốc bảo hiểm thì họ tự chịu đau.

Khi chúng tôi viết về cái xã ấy lên báo, một nhà hảo tâm từ TP.HCM chạy lên tận Đăk Lăk và tặng cho xã này mấy nghìn suất siêu âm. Nếu không có vị đó, không biết cái máy kia sẽ "đắp chiếu" đến khi nào.

Cái máy siêu âm ấy như một ẩn dụ: mục tiêu mới có thể rất tốt, chẳng ai bảo ủng hộ đồng bào bão lụt và khuyến học là không tốt. Nhưng điều kiện tiên quyết cho những mục tiêu mới, vẫn phải là những con người mới. Nông dân cũ, chẳng thể nào tạo ra nông thôn mới. Họ sẽ chỉ cắn răng tổ chức đám ma không kèn trống, chứ chẳng có cách nào.