Dân Việt

Phú Thọ: Đường cao tốc đi qua, ruộng đồng... mất trắng

Hồng Sáng - Vinh Hải 09/12/2015 09:00 GMT+7
Hơn 4 năm nay, gần chục ha đất màu mỡ trồng lúa của gần 300 hộ dân các khu 8, 9 xã Tiên Kiên (Lâm Thao, Phú Thọ) phải bỏ hoang. Nguyên nhân là do mỗi khi mưa lớn, đất, đá từ trục đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai lại tràn xuống lấp đầy các thửa ruộng khiến nông dân không thể canh tác.

Có ruộng, vẫn phải đong gạo ăn

Dẫn chúng tôi ra mấy thửa ruộng của gia đình, bà Nguyễn Thị Hiền (trú tại khu 9, xã Tiên Kiên) buồn bã giãi bày: “Trước đây, gia đình tôi có hơn 7 sào ruộng, mỗi năm cấy 2 vụ, thu về ngót 3 tấn thóc. Tuy nhiên, khi con đường cao tốc bắt đầu hình thành thì cũng là lúc diện tích 5 sào đất của tôi (2 sào đã bị thu hồi để làm đường) không thể cày cấy được, bởi mỗi khi trời mưa, đất, đá được sử dụng đổ đường cao tốc cứ chảy tràn xuống ruộng, bồi lấp hết lớp đất màu. Mấy năm nay, gia đình tôi quanh năm phải đi đong gạo ăn”.

img

Người dân khu 9, xã Tiên Kiên (Lâm Thao, Phú Thọ) bên “cánh đồng cỏ” hiện nay của mình.   (Ảnh: Hồng Sáng)

Cùng chung tâm trạng với bà Hiền, ông Nguyễn Văn Thể (khu 9, xã Tiên Kiên) cũng bày tỏ, 7 khẩu gia đình ông chỉ trông vào mấy sào ruộng, vậy mà giờ chẳng trồng được cây gì nữa. Nói xong, ông dùng cuốc bổ xuống ruộng mấy nhát, quả thực dưới lớp cỏ dày chỉ có đất đỏ và đá dăm.

Xác nhận thực trạng trên, ông Nguyễn Duy Dương - Trưởng khu 9, xã Tiên Kiên cho biết, có khoảng gần 5ha đất của bà con trong khu bị đất, đá từ đường cao tốc trôi xuống bồi lấp, không thể cải tạo được, phải bỏ hoang. 100% số hộ dân này không có nghề phụ nào khác, nhiều hộ có hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Khao khát có ruộng cày

"Khi người đại diện của ban quản lý về đưa tiền cho chúng tôi, họ hứa là bà con cứ ký nhận tiền, họ sẽ cho người về múc bồi cải tạo ruộng sau. Nhưng chúng tôi chờ mãi mà chưa thấy ai về”.
Ông Nguyễn Duy Dương

Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc, ông Trần Đăng Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kiên xác nhận: Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua địa bàn xã khoảng 4,5km, ảnh hưởng trực tiếp đến 295 hộ dân thuộc 5 khu, trong đó khu 8 và khu 9 chịu ảnh hưởng nhiều nhất với gần chục ha đất bị bồi lấp. Qua thống kê thiệt hại, từ năm 2011 đến nay, Nhà nước đã bồi thường hơn 1 tỷ đồng cho các hộ có diện tích đất bị xô sạt. Sắp tới, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm cho người dân 135 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Hữu Phước - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Kiên khẳng định: Số hộ có diện tích đất bị bồi lấp phải bỏ hoang, Nhà nước cũng đã hỗ trợ số tiền tương đương 5 vụ canh tác (khoảng 2 triệu đồng/sào). Toàn bộ số tiền này chỉ nhằm đền bù và giúp người dân giảm bớt phần nào những khó khăn khi đất nông nghiệp của họ không thể gieo trồng được, còn kinh phí để cải tạo đất bị bồi lấp, xã không biết trông vào đâu.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên NTNN đã trao đổi ông Lê Quang Hào - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam để tìm hiểu sự việc. Ông Hào cho biết: "Tình trạng đất đá sạt lở xuống khu vực ruộng canh tác của người dân xảy ra trong giai đoạn đang thi công dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và nhà thầu thi công đã đền bù cho người dân. Trong biên bản đền bù có nội dung người dân sẽ tự cải tạo diện tích đất bị ảnh hưởng. Thế nhưng, người dân nhận tiền xong vẫn chưa tiến hành cải tạo. Chúng tôi đã nhiều lần họp với chính quyền xã và người dân để cùng có phương án giải quyết".

Trước thông tin này, ông Nguyễn Duy Dương - Trưởng khu 9 phủ nhận hoàn toàn. Ông Dương cho biết: “Khi người đại diện của ban quản lý dự án đường cao tốc về đưa tiền cho chúng tôi, họ bảo là bà con cứ ký nhận tiền đi rồi họ sẽ cho người về múc bồi cải tạo ruộng sau. Nhưng chúng tôi chờ mãi chưa thấy ai về”.

Chính vì sự thiếu rõ ràng, thống nhất như vậy, đến nay gần 300 hộ dân vẫn không có ruộng để tiếp tục sản xuất.