Dân Việt

Nghề làm phở sắn ở Quế Sơn

Đoàn Hồng 09/12/2015 14:15 GMT+7
Thức dậy từ 3h sáng để bắt đầu công việc, nghề làm phở sắn dù khá vất vả, thế nhưng nhiều nông dân ở Quế Sơn vẫn ngày đêm cần mẫn với công việc và xem đây là niềm vui hạnh phúc của mình.

img

Theo các cụ cao niên tại làng Thuận An – Trị trấn Đông Phú (Quế Sơn –Quảng Nam), nghề làm phở sắn có từ bao giờ thì không ai nhớ rõ, chỉ biết rằng trong những năm khó khăn của chiến tranh, sắn được chọn là thức ăn chính của nhiều hộ nông dân ở vùng quê nghèo xứ Quảng.

img

“Việc ăn sắn nhiều dẫn đến ngán, nên những người nông dân ở Quế Sơn lại nghiên cứu chế biến loại lương thực này thành một món ăn khác thay cho sắn lác, sắn củ. Thế là nghề làm phở sắn hình thành…” – Một cao niên ở làng Thuận An chia sẻ.

img

Một thời, nghề làm phở sắn ở Quế Sơn phát triển rất mạnh ở Quế Sơn. Sau đó, do nhiều nguyên nhân mà nghề này bị mai một dần. Mấy năm trở lại đây, nghề làm phở sắn đã được vực dậy, chủ yếu ở làng Thuận - thị trấn Đông Phú. Hiện nay, toàn thôn có trên 55 hộ tham gia, với hơn 155 lao động tham gia làm nghề phở sắn.

img

Lão nông Nguyễn Văn Nhất – một người có thâm niên làm nghề phở sắn ở làng Thuận An – thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) cho biết, nghề này rất vất vả, phải chịu khó thức đêm, dậy sớm mới làm được. Vất vả là vậy, nhưng thu nhập của nghề lại chẳng được bao nhiêu.

img

Muốn có sợi phở sắn, người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Việc đầu tiên là từ sắn củ đem về bào vỏ, xắt thành lát sắn rồi phơi khô. Sau đó, đem sắn lát đã phơi khô xay bằng máy hoặc giã trong cối đá để có bột thô. Bột thô đem ngâm trong nước lã, qua một đêm thì bột lắng xuống đáy, rồi chắt bỏ nước cũ, cho nước khác vào, cứ ngâm xả như vậy cho đến khi nước không còn đục và vị đắng chỉ còn lại bột tinh.

img

Theo ông Nhất, để làm phở sắn, công đoạn đầu tiên là cho bột tinh vào nồi, bắc lên bếp, khuấy đều tay, đun nhỏ lửa để bột chín đều và khỏi bị dính dưới đáy nồi. Quấy như vậy đến khi nghe tay hơi nặng là bột đã chín tới. Đưa bột chín ra thau, để nguội, rồi múc bột đổ lên khuôn. Người thợ dùng lực ép chày từ trên xuống để bột trong khuôn thoát ra các lỗ tròn nhỏ phía dưới đáy. Một người khác dùng tấm vỉ tre đan mỏng, vừa khéo léo đón lấy sợi phở vừa đưa thật đều tay trải trên vỉ theo hình mắt cáo. Sau đó, đem phơi khô những tấm phở này ngoài nắng.

img

img

“Hằng ngày, ông và vợ phải thức dậy từ lúc 3h sáng, hì hục làm từ khuya cho đến tận trưa nhưng thu nhập không cao. Mỗi ngày bình quân hai vợ chồng tôi chỉ làm được 40 – 45 kg phở sắn khô, với giá như hiện nay 20.000 đồng/ký, thu nhập bình quân trên 300 ngàn đồng/ngày…” – Lão nông Nguyễn Văn Nhất chia sẻ.

img

img

Ông Bùi Văn Minh – Phó chủ tịch UBND thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) cho hay, hiện nay đa phần người dân ở thôn Thuận An sản xuất phở sắn chủ yếu bằng thủ công nên rất vất vả, giá trị ngày công lao động lại không cao bằng với các nghề khác. Mặc dù vậy, nghề làm phở sắn vẫn luôn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân nông dân ở  làng Thuận An và họ vẫn ngày đêm bám nghề, giữ lửa cho nghề.