Tiền vốn “đẻ” ra…trâu, lợn, dê
Đến thăm gia đình ông Tướng Văn Điện (54 tuổi, dân tộc Dao ở thôn 14, xã Lang Quán, huyện Yên Sơn), chúng tôi mới thấy được nguồn vốn vay ưu đãi có tác dụng lớn đối với giảm nghèo. Ngôi nhà sàn được cất mới to đẹp, trong nhà có nhiều vật dụng giá trị như ti vi, máy xát, máy cày mini... Ít ai tin rằng cách đây mới 2 năm, gia đình ông Điện là một trong những hộ nghèo nhất xã.
Cặp trâu sinh sản được ông Tướng Văn Điện gây dựng từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: Thu Hà
Rót chén trà nóng hổi mời khách trong cái lạnh đầu đông, ông Điện kể: “Nhà đông con nên cuộc sống vất vả lắm. Năm 2007, vợ tôi mất do bệnh tật để lại cho tôi 7 đứa con thơ và khoản nợ lớn thuốc thang. Lúc đó dù suy sụp nhưng tôi vẫn phải gắng gượng làm việc nuôi các con và trả nợ”.
Vất vả của ông Điện phần nào vơi đi khi được Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay 8 triệu đồng chương trình vay vốn tín dụng hộ DTTS -ĐBKK (tháng 12.2013). “Tôi mua 3 con dê về nuôi. Bố con tôi thay nhau chăm sóc đàn dê thật tốt. Bởi, ngoài căn nhà xập xệ, đây là tài sản giá trị nhất của chúng tôi lúc bấy giờ” - ông Điện cho biết.
Không phụ công chăm sóc của bố con ông Điện, đàn dê khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Đầu năm 2014, ông Điện lại được Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp thêm lực khi cho vay 30 triệu đồng chương trình tín dụng hộ nghèo. Số tiền này ông Điện dùng mua trâu và lợn nái về nuôi. Rồi từ tiền bán dê, lợn, nghé, ông Điện đầu tư mua máy xát, máy cày để kiếm thêm thu nhập. Sau mấy chục năm bị đói nghèo đeo bám, đến nay gia đình ông Điện đã thoát nghèo bền vững và có của ăn của để.
Đồng vốn tháo gỡ được 2 “nút thắt”
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ 1.831 tỷ đồng, 176.280 món vay, trong đó chương trình tín dụng cho vay hộ đồng bào DTTS- ĐBKK là 13,521 tỷ đồng, với 2.073 hộ còn dư nợ… |
Chị Đặng Thị Lý - Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thôn 14, xã Lang Quán cho biết, hiện dư nợ vốn tín dụng chính sách của tổ là hơn 1 tỷ đồng với 54 hộ đang hưởng lợi. Theo chị Lý, trước và sau giải ngân vốn vay, cùng với các hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ TKVV phải thường xuyên bám sát, gần gũi hộ vay để tư vấn, định hướng bà con cách làm ăn, đầu tư mô hình sản xuất phù hợp. Thêm vào đó, các hộ vay vốn được ưu tiên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề nông nghiệp theo nhu cầu.
“Trước nay, đời sống đồng bào DTTS nơi đây còn nhiều khó khăn, một phần do thiếu vốn và tư duy canh tác lạc hậu. Về cơ bản, vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã giúp bà con tháo gỡ được 2 “nút thắt” này. Tôi đề nghị Nhà nước nên nâng mức vay chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS -ĐBKK lên 15 triệu đồng/hộ (thay vì 8 triệu đồng như hiện nay) để đáp ứng nhu cầu vay vốn thực hiện phương án sản xuất kinh doanh”- chị Lý bày tỏ.
Ông Trương Văn Bình - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, hàng năm, Ngân hàng CSXH đều phối hợp với các đoàn thể tổ chức tập huấn về chính sách cho vay tín dụng ưu đãi; tập huấn lồng ghép kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả...